Dư âm Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Sau hơn 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. 'Thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội 'Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm', một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc' - khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp đã gợi mở rất nhiều cho hoạt động của HĐND các cấp, nhất là trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp cuối năm sắp tới.

Bài 1

Thành công từ sự chủ động, trí tuệ và trách nhiệm

“Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định” - kết quả này là cả một quá trình nỗ lực, không chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị với tinh thần kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa mà còn là ở sự linh hoạt trong lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp. Trên hết, làsự nhập cuộc nhanh nhạy, trách nhiệm, trí tuệ của từng đại biểu, nhất là vai trò sắc nét của người đứng đầu. Những kinh nghiệm quý này không chỉ gợi mở mà còn là động lực thôi thúc HĐND các địa phương trong chuẩn bị, tổ chức tốt cho kỳ họp cuối năm trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Ảnh: Quang Khánh

Linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế

Trên cơ sở công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, thành công của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV trước hết đến từ sự linh hoạt, hết sức phù hợp trong cách thứctổ chức với nhiều đổi mới thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Đó là việc tổ chức kỳ họp thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và tập trung. Đối với đợt họp trực tuyến, Quốc hội đã chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ… Như chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp: “Một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội đồng tình và đạt kết quả tốt như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ…”.

Đánh giá việc tổ chức thảo luận Tổ, thảo luận theo Đoàn ĐBQH, nhiều ý kiến cho rằng đây là đổi mới khá hiệu quả do có nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia, nhất là thảo luận tại từng địa phương có sự góp mặt của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành cùng dự họp đã tranh thủ thêm nhiều ý kiến sát thực tiễn, đa chiều đóng góp vào các dự án luật, nghị quyết. Từ đó, góp phần hoàn thiện các văn bản, khi được thông qua tính khả thi chắc chắn sẽ cao hơn.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp rất nhanh và kịp thời ý kiến thảo luận ở tổ, các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu bước đầu gửi ĐBQH làm căn cứ cho thảo luận ở hội trường. Qua đó, giúp đại biểu chuẩn bị ý kiến kỹ lưỡng hơn, tập trung vào những vấn đề quan trọng, những nội dung còn ý kiến khác nhau.

Dấu ấn vai trò sắc nét của Chủ tọa

Không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng: 2.927 lượt ĐBQH phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt ĐBQH thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường, sự nhập cuộc nhanh nhạy, trách nhiệm, trí tuệ của các ĐBQH ngay từ kỳ họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV còn được thể hiện rõ nét ở chất lượng các ý kiến thảo luận, tranh luận, chất vấn, truy vấn. Đó là việc thể hiện chính kiến rõ ràng trong trình bày quan điểm đối với các dự án luật trình Quốc hội; nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiến kế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, công cuộc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, hoàn thiện thể chế; những chất vấn, truy vấn hết sức ngắn gọn, sắc nét đối với những vấn đề quốc kế dân sinh nóng bỏng đang đặt ra dưới tác động to lớn của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, là dấu ấn của Chủ tọa trong điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Không chỉ sắc bén, linh hoạt, “khéo léo” phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, hướng cả người hỏi và người trả lời vào làm rõ những vấn đề trọng tâm, huy động sự tham gia trả lời, giải trình thêm của các "tư lệnh" ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, cộng đồng trách nhiệm để làm rõ hơn những vấn đề đặt ra; mà còn là sự quyết liệt, quyết tâm theo đến cùng để làm sáng tỏ những vấn đề nóng bỏng thực tiễn đang đặt ra, hầu hết đều liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để có những chuyển biến tích cực ngay sau kỳ họp.

Vừa gợi mở, vừa là động lực thôi thúc đổi mới

Thời điểm này, HĐND các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung cho kỳ họp thường lệ cuối năm, bàn, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cùng với học tập kinh nghiệm chuẩn kỹ từ sớm, kỹ lưỡng các nội dung trình kỳ họp theo kinh nghiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giảm thiểu sự bị động, nâng cao chất lượng các nội dung trình kỳ họp theo tinh thần chỉ chấp nhận những nội dung đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các quyết sách. Thành công trong tổ chức Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội Khóa XV vừa gợi mở, vừa là động lực thôi thúc Thường trực, các Ban HĐND không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, trước mắt là tổ chức thành công kỳ họp thường lệ cuối năm.

Đó là việc linh hoạt trong lựa chọn cách thức tổ chức kỳ họp để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở từng địa phương. Trong đó, kinh nghiệm hay trong tổ chức thảo luận tổ trước kỳ họp ở một số địa phương cần được phát huy rộng rãi hơn, nhất là ở những địa bàn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, cùng với tách hẳn hoạt động thảo luận tổ ra khỏi chương trình kỳ họp là đổi mới trong cách thức tổ chức như: Xây dựng những nội dung gợi ý cần thảo luận theo các nhóm vấn đề gửi các Tổ đại biểu cùng với tài liệu kỳ họp; thành phần mở rộng bao gồm Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ và các ngành chuyên môn cấp huyện, thành phố (địa bàn đắc cử của Tổ đại biểu) để tham gia phát biểu, cung cấp thêm thông tin tình hình địa phương, các thông tin liên quan để đại biểu nghiên cứu, thảo luận. Với một số chuyên đề, có thể chủ động mời chuyên gia và cử tri là đối tượng tác động cùng tham gia.

Là việc phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong các phiên họp toàn thể, nhất là vai trò Chủ tọa trong điều hành. Theo chia sẻ của lãnh đạo Thường trực HĐND nhiều địa phương, yêu cầu đặt ra không chỉ là am hiểu vấn đề, là độ nhanh nhạy, sắc bén và “khéo léo” trong điều hành, xử lý tình huống để tạo không khí dân chủ, mà trên hết là bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu, để cơ quan quyền lực nhà nước hoạt động ngày càng thực quyền, hiệu quả, xứng đáng hơn với kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

THÁI AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-hop/du-am-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv-i277005/