Dự án 672 ở Bình Định: Dân 'tố' không có đất sản xuất, gia đình cán bộ được cấp đất lại mang đi bán

Nông dân nghèo thiếu đất sản xuất nhưng cán bộ, người thân cán bộ xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) được cấp đất lại mang đi bán. Điều này, đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Dân nghi cấp đất không đúng đối tượng?

Căn cứ Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gia đình, cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư (gọi tắt dự án 672), năm 2010, UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) đã cấp đất lâm nghiệp cho các hộ dân xã Canh Hòa.

Mới đây, gần 20 người dân là đồng bào dân tộc Chăm ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) đã gửi đơn cứu xét đến Ban Thường vụ huyện ủy, UBND và Công an huyện Vân Canh, đề nghị làm rõ việc cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp không đúng đối tượng đối với trường hợp là cán bộ, người nhà cán bộ xã Canh Hòa.

Năm 2012, các hộ dân này phát dọn trồng keo tại tiểu khu 375B (tục danh núi Ông Cao) với diện tích khoảng 35ha, sau đó UBND xã Canh Hòa yêu cầu hủy bỏ số keo trồng và họ đã chấp hành, không trồng nữa.

Ông Lê Văn Cần (làng Canh Thành, xã Canh Hòa) cầm đơn cứu xét gửi đến Ban Thường vụ huyện ủy, Công an huyện Vân Canh.

Ông Lê Văn Cần (làng Canh Thành, xã Canh Hòa) cầm đơn cứu xét gửi đến Ban Thường vụ huyện ủy, Công an huyện Vân Canh.

Đến tháng 8/2019, phát hiện diện tích trước đây UBND xã Canh Hòa yêu cầu không được trồng cây đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân khác trong đó có cán bộ, người nhà cán bộ xã Canh Hòa nên người dân gửi đơn phản ánh đến chính quyền.

Theo anh Thanh Văn Huấn (xã Canh Hòa) cho hay, bà Phan Thị Nga (vợ của ông Nguyễn Văn Cư–đang là cán bộ UBND xã Canh Hòa), được cấp GCNQSDĐ nhưng người dân địa phương không hề thấy bà Nga từng có mặt phát dọn ở khu vực này.

“Hiện, đất cấp cho bà Nga đã chuyển nhượng cho bà Trịnh Thị Dân (ở huyện Tuy Phước). Chúng tôi canh tác, đổ giọt hồ hôi sản xuất thì bị coi là lấn chiếm, không cấp sổ đỏ. Đã cấm thì cấm tuyệt đối, tại sao cấm người dân mà gia đình cán bộ lại có “sổ đỏ” rồi mang đi chuyển nhượng cho người từ nơi khác. Riêng dự án 672, chúng tôi không biết gì”, ông Huấn thắc mắc.

Trong khi đó, các hộ dân khác như: ông Trần Trung Thạch, Trần Điệp… được UBND huyện Vân Canh cấp GCNQSDĐ từ năm 2010 (thời hạn sử dụng đến tháng 12/2060) nhưng đến nay vẫn chưa biết đất được cấp ở vị trí nào.

Cán bộ chuyển nhượng đất rừng

Vào cuộc tìm hiểu chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm “bất thường” diễn ra xung quanh việc cấp đất rừng theo dự án 672 tại xã Canh Hòa. Điều khá bất ngờ, ông Đoàn Văn Môn - nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa (thời điểm đo đạc cấp đất rừng theo dự án 672, ông Môn giữ chức Chủ tịch UBND xã Canh Hòa), mới đây đã làm đơn trả lại hơn 10ha đất rừng được cấp vì không phù hợp với diện tích, vị trí mà ông kê khai.

Ngoài ra, nhiều trường hợp là cán bộ, người nhà cán bộ xã Canh Hòa sau khi được cấp đất rừng đã chuyển nhượng cho người khác, điều này tạo dư luận không tốt trong nhân dân, thậm chí có trường hợp tranh chấp khiếu nại đất đai với người dân bản địa.

Kết quả xác minh tại UBND xã Canh Hòa cho thấy, ông Đoàn Văn Mức - nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, bà Phan Thị Nga (vợ của ông Nguyễn Văn Cư - đang là cán bộ UBND xã Canh Hòa) được cấp đất rừng để canh tác nhưng đến nay, đã chuyển nhượng cho người khác.

Ông Trần Trung Thạch (xã Canh Hòa) sau 10 năm mới nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không biết đất đang ở đâu.

Ông Trần Trung Thạch (xã Canh Hòa) sau 10 năm mới nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không biết đất đang ở đâu.

Theo ông Mức, trước đây ông đại diện đứng tên nhóm hộ cho 3 người (gồm: cá nhân ông và 2 hộ gia đình khác đều là cán bộ) nhận đất rừng với diện tích khoảng 15ha, theo dự án 672: “Sau khi tách đất thì tôi còn lại khoảng 5ha, hiện đất này đứng tên bố vợ tôi là ông Nguyễn Xuân Thìn (thửa đất số 731, khu vực Canh Thành, khoảnh 1) chứ không phải mua bán gì cả. Trước đây, thực tế tôi không có đất nên mới xin hội đồng cấp đất, họ xét được thì cấp”.

Đứng tên thửa đất số 731a (khu vực Canh Thành, khoảnh 1), bà Phạm Thị Điệp (ở thị trấn Vân Canh) cho biết, năm 2018 bà mua lại, nhận chuyển nhượng của ông Đoàn Văn Mức với số tiền 50 triệu đồng. “Đất này tôi mua, chứ không đứng thay tên cho cán bộ nào cả, nhưng hiện nay đã bị người khác lấn chiếm, chưa thể canh tác được”, bà Điệp nói.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Mức khẳng định: Không hề có việc mua bán giữa ông với bà Điệp. Việc bà Điệp nhận chuyển nhượng của ai thì ông không biết. “Tôi chỉ đứng tên đại diện cho nhóm hộ và họ đều là gia đình cán bộ. Bà Điệp nói tôi nhận 50 triệu là tào lao”, ông Mức nhấn mạnh.

Ngoài ra, thửa đất số 777 đang xảy ra tranh chấp giữa bà Trịnh Thị Dân với ông Chăm So Hòa (làng Canh Thành, xã Canh Hòa). Ông Hòa cho rằng, đây là đất cho cha mẹ để lại từ năm 2001, ông đã phát dọn canh tác. Ngược lại, bà Dân cho rằng: “Thửa đất này trước đây của bà Nga chuyển nhượng cho người khác, đến lượt tôi nhận chuyển nhượng từ 1 người ở TP.Quy Nhơn với giá 250 triệu đồng. Mặc dù tôi đã có sổ nhưng vẫn không thể sản xuất, trồng cây được vì xảy ra tranh chấp, rất đau đầu”.

 Phóng viên trò chuyện với người đồng bào Chăm ở làng Canh Thành (xã Canh Hòa) về việc cấp đất rừng theo dự án 672.

Phóng viên trò chuyện với người đồng bào Chăm ở làng Canh Thành (xã Canh Hòa) về việc cấp đất rừng theo dự án 672.

Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Lâm - Cán bộ địa chính UBND xã Canh Hòa, ông Lâm cho biết, năm 2007 dự án 672 bắt đầu thực hiện đo đạc, cấp đất rừng cho người dân. Đây là dự án của Trung ương, nên phần lớn việc đo đạc do đơn vị tư vấn thực hiện, UBND huyện Vân Canh là cơ quan cấp GCNQSDĐ.

“Năm 2010-2011, trước khi người dân nhận được GCNQSDĐ thì một số hộ dân (trong đó có tên trong đơn cứu xét), đã lên lấn chiếm, phát trồng keo khu đất này. Còn hộ anh Chăm So Hòa có đất của ông bà để lại canh tác từ năm 2001 nhưng vì quá 3 năm liên tục không canh tác nên theo luật chúng tôi thu hồi lại”, ông Lâm thông tin.

Ông Trần Kim Vũ – Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Theo tìm hiểu sơ bộ, dự án 672 thời điểm năm 2007 thực hiện việc đo đạc, cấp đất lâm nghiệp theo hiện trạng đang sản xuất, chỉ cần canh tác, không phân biệt cán bộ hoặc người dân. Tuy nhiên, thực tế hồ sơ và diện tích đất chồng chéo rất nhiều, dẫn đến tình trạng sổ đã cấp, người dân lại không nhận.

“UBND huyện gặp lúng túng vì lúc này không còn hồ sơ tài liệu liên quan dự án 672. Thậm chí, tôi đã giao Thanh tra đến Chi cục đất đai của tỉnh để tìm thông tin về dự án 672 cũng tìm không ra. Nếu việc cấp đất rừng là đúng đối tượng, có sổ đỏ thì mua bán, chuyển nhượng là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu phát hiện sai phạm, cấp đất không đúng đối tượng, huyện sẽ xử lý nghiêm, không bao che”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đức Hồ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/du-an-672-o-binh-dinh-dan-to-khong-co-dat-san-xuat-gia-dinh-can-bo-duoc-cap-dat-lai-mang-di-ban-56223.html