Dự án 8.000 tỷ 'đắp chiếu', ẩn số thu hồi thiệt hại
Kiểm sát viên đánh giá, sai phạm của các bị cáo khiến dự án trị giá 8.000 tỷ đồng của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sau hơn 10 năm chưa thể hoàn thành. Cơ quan chức năng dù tích cực nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để tiếp tục xây dựng.
Ngày 14/4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội nêu quan điểm luận tội với 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Theo kiểm sát viên, dự án này do TISCO làm chủ đầu tư, Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS) quyết định, chỉ đạo. Tuy nhiên, 19 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tại TISCO và VNS đã không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và mắc nhiều sai phạm dẫn tới thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Kiểm sát viên đánh giá, để xây dựng dây chuyền luyện kim thuộc dự án, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD. Hợp đồng này có nội dung giá trị không thay đổi; MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá. Các bị cáo tại TISCO và VNS đáng lẽ phải dừng hợp đồng, áp dụng điều khoản phạt MCC nhưng lại chấp thuận yêu cầu tăng giá. Nhóm này còn điều chỉnh đơn giá phần C (xây lắp) và giới thiệu Tổng Cty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ.
Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay. Việc này khiến dự án phát sinh lãi vay, gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Kiểm sát viên đánh giá, dự án của TISCO là 1 trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương, đến nay sau hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành và chưa biết khi nào tiếp tục; dù Chính phủ và VNS tích cực nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Người giữ quyền công tố cũng đánh giá, nhiều bị cáo trong vụ án này có trình độ, chức vụ cao, thành tích tốt trong công tác nhưng lại không thực hiện đúng hợp đồng EPC dẫn tới không kiểm soát được vốn, làm lãng phí nguồn tiền; nhiều máy móc đã lắp đặt bị hư hỏng; tài sản, khoáng sản của đất nước không được sử dụng để tạo việc làm, sinh lợi ích kinh tế. Hành vi của các bị cáo còn ảnh hưởng xấu tới quyền lợi người lao động trong TISCO, gián tiếp tác động xấu tới quá trình phát triển và hiện tại đang là gánh nặng cho nền kinh tế.
Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt Trần Trọng Mừng, Trần Văn Khâm (cùng nguyên là Tổng Giám đốc TISCO) từ 9 đến 11 năm tù; Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch VNS từ 6 đến 7 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT của TISCO hoặc VNS bị đề nghị nhận từ 12 tháng đến 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; các bị cáo còn lại bị đề nghị nhận từ 2 đến 8 năm tù.