Dự án BOT giao thông: Nên gỡ bỏ trạm thu phí bất hợp lý
Bình luận về các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hình thức đầu tư này tại Việt Nam còn quá nhiều bất cập.
Thưa GS, ông có đánh giá thế nào về hình thức đầu tư BOT đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông?
- GS Đặng Đình Đào: Câu chuyện BOT có nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết BOT là hình thức đầu tư được nhiều nước áp dụng, là hình thức tốt để áp dụng đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thúc dẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng tại Việt Nam, thời gian vừa qua, việc áp dụng xây dựng BOT nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Điểm đầu tiên phải kể đến là thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư BOT chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Ngay cả hợp đồng BOT chưa được công khai minh bạch, nhiều văn bản đóng dấu "mật" mà lẽ ra nên được công khai.
Hai là các dự án BOT tại Việt Nam hoàn toàn là chỉ định thầu, và rõ ràng như vậy không thể cạnh tranh, không thể minh bạch được.
Ba là BOT của các nước làm trên xa lộ mới, ta lại làm trên nền cũ, thậm chí trên những tuyến đường đã có cả trăm năm thì không thể ổn được.
Bốn là BOT các nhà đầu tư chỉ bỏ ra đến 15% vốn, còn 85% vốn đầu tư đi vay ngân hàng, mà vay vốn Ngân hàng lại được nhà nước bảo lãnh. Các nhà đầu tư BOT rất được ưu ái.
Tiếp nữa trong quá trình triển khai, nhà đầu tư tự quyết hết nên mấy chục dự án BOT theo báo cáo của Bộ GTVT đều đội vốn gấp 2-3 lần, trong khi chất lượng lại không tương xứng, nảy sinh thất thoát, lãng phí không kiểm soát được.
Dựng trạm BOT thu tiền, thời gian kéo dài, lệ phí tăng cao. Nhà nước thiệt đơn thiệt kép rồi "bổ đầu" cho dân nên người dân phản ứng. Chẳng hạn như BOT Cai Lậy, trách nhiệm phải thuộc về Bộ GTVT. Chính phủ chỉ phê duyệt làm đường tránh mà Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư kéo thêm 26 km để làm BOT. Làm như vậy không thể chấp nhận được!
Một trong những vấn đề BOT chưa hợp lý là do đặt vị trí chưa đúng. Với những dự án này, có cách nào khắc phục không, thưa GS?
- GS Đặng Đình Đào: Đoạn đường nào thực sự nhà đầu tư xây dựng mới hoàn toàn thì nhà đầu tư đặt trạm BOT, còn những đoạn chỉ cơi nới làm vỉa hè hoặc làm thêm đường thì phải kiểm tra chặt chẽ để có hình thức thanh quyết toán. Như BOT Cai Lậy chẳng hạn, nhà đầu tư chỉ bỏ ra 300-400 tỷ đồng sau đó dựng trạm thu tiền 20 năm là không được. Anh chỉ dựng trạm thu tiền với những tuyến đường BOT hoàn toàn mới, cách đường quốc lộ 20m hay 50m. Người dân đi sang đường cao tốc BOT thì phải trả tiền vì muốn đi nhanh, thoáng mát.
Nghĩa là khi xây dựng tuyến đường BOT, nhà đầu tư phải cho người dân được quyền tự chọn đường mới hay đường cũ?
- GS Đặng Đình Đào: Chính xác là như vậy. Nhiều lúc nhà đầu tư chỉ cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý thì đặt trạm mà không nghĩ tới điểm bất hợp lý là lâu nay người dân đi theo đường ấy, tự dưng mình đặt barie thu tiền. Thế nên người ta phản ứng.
Bộ GTVT nhiều lần giải thích về BOT Cai Lậy nhưng giải thích của họ không thuyết phục. Bộ bảo đúng quy trình, nhưng đúng quy trình sao chỗ nào cũng đội giá lên? Sao người dân phản ứng dữ dội và dai dẳng?
Thủ tướng vừa quyết định tạm dừng BOT Cai Lậy 1-2 tháng để thanh tra, kiểm tra? Vậy theo GS, việc thanh tra, kiểm tra nên chú ý vào những mặt nào?
GS Đặng Đình Đào: Ngày hôm qua Thủ tướng đã ra quyết định tạm dừng hoạt động trạm BOT Cai Lậy 1-2 tháng để thanh tra, kiểm tra. Theo tôi, nếu khôi phục lại trạm BOT sau 2 tháng này thì bức xúc của người dân vẫn chưa giải quyết được. Trong 2 tháng này, cần thanh kiểm tra thật kỹ, liên quan đến đường tránh và đoạn đường 26km, từ lúc phê duyệt đến lúc thanh kiểm tra, quyết toán...
Cá nhân tôi cho rằng nên gỡ bỏ trạm BOT Cai Lậy, còn đoạn đường 26km đã làm thì dùng quỹ bảo trì đường bộ để xử lý. Tất nhiên, trước đó cần thanh tra kiểm tra xem có đúng đoạn đường này đã mở rộng, láng lại mặt đường ra sao, có đúng hết số tiền như chủ đầu tư báo cáo. Và sai phạm ở đâu phải xử lý nghiêm minh ở đó.
Giao thông quyết định lưu thông hàng hóa, mà lưu thông quyết định sản xuất. Nếu để vấn đề này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và tâm lý người dân nên cần xử lý nghiêm minh, dứt điểm.