Dự án cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) nhận giải thưởng công nghệ sáng tạo
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ngày 30/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Công nghệ sáng tạo của dành cho Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) do Hiệp hội xây dựng Nhật Bản (JSCE) trao tặng.
Giải thưởng công nghệ sáng tạo lần này ghi nhận các công nghệ áp dụng tại Dự án, từ bước thiết kế đến thi công công trình tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu, công trình nạo vét, công trình xây dựng có quy mô lớn nhất Việt Nam với đê chắn sóng dài 3.230m và đê chắn cát dài 7.600m. Với việc áp dụng công nghệ và các biện pháp tổ chức thi công tiên tiến, các nhà thầu đã rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng và an toàn thi công.
Đây là dự án thí điểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản sử dụng vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng chung (Hợp phần A) có sự tham gia của liên danh của các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản vào công trình bến container (Hợp phần B).
Việc đưa vào khai thác cảng nước sâu với các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng từ năm 2018 đã góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Bắc và tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Giải thưởng của Hiệp hội xây dựng Nhật Bản (JSCE) được thành lập vào năm 1920 nhằm ghi nhận các thành tựu và đóng góp nổi bật của các dự án xây dựng tiêu biểu và là một giải thưởng rất có uy tín tại Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên giải thưởng Công nghệ sáng tạo của Hiệp hội được trao cho một công trình tại Việt Nam. Lễ trao giải tại Nhật Bản đã được tổ chức vào tháng 6/2020.
Được biết, mới đây Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Mục tiêu xây dựng 2 bến cập tàu với tổng chiều dài tuyến mép bến là 750m có kết cấu hệ dầm bản trên nền cọc đóng, có thể tiếp nhận cỡ tàu từ 100.000 DWT (8.000 Teus) đến 160.000 DWT (14.000 Teus); 1 bến sà lan với chiều dài tuyến mép bến là 150m có thể tiếp nhận sà làn 48 Teus và sà lan tổng hợp 400 DWT.
Đối với công trình bảo vệ cảng, Dự án sẽ xây dựng tuyến kè bảo vệ với 2 dạng kết cấu kè chắn sóng mái nghiêng kết hợp khối phủ Tetrapol (kè loại 1 dài 662m) và tường cừ một tầng neo (kè loại 2 dài 950m). Trên diện tích tổng 47ha toàn Dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống kho bãi gồm 1,5ha khu dịch vụ; 17,8ha khu bãi hàng container; 5,5ha khu bãi hàng tổng hợp; 4,6ha kho và bãi trước kho; 2,4ha khu silo hàng. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 6.425 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2020 - 2025) có chi phí đầu tư là 6.072,9 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030 và sau 2030) là 352,2 tỷ đồng.