Dự án cao tốc Bắc-Nam chậm do thiếu nguyên vật liệu
Các địa phương có dự án cao tốc đi qua cần giải quyết các điều kiện, thủ tục về cấp giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu thi công dự án.
Trước thực trạng các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đang có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh có tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua phải đảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.
Lãnh đạo các tỉnh phải đẩy nhanh cấp phép mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc- Nam. Cần có giải pháp, chế tài kịp thời để chống độc quyền, đầu cơ nâng giá vật liệu tùy tiện tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo thiết kế kỹ thuật nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (dài 653 km), cần khoảng 54 triệu m3 nhưng hiện tại mới chỉ đủ điều kiện khai thác 32,2/54 triệu m3 đất đắp, còn lại chưa đủ điều kiện khai thác. Khối lượng chưa đủ điều kiện khai thác tập trung tại 8 dự án thành phần: Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa yêu cầu Bí thư và Chủ tịch các tỉnh có dự án cao tốc đi qua đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về cấp giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu thi công dự án. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Lãnh đạo bộ GTVT cũng đã có nhiều cuộc làm việc với chính quyền địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng đến nay thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất trong khu vực vẫn chưa có biến chuyển. Đơn cử, tại dự án thành phần Mai Sơn – QL45 (dài 63,37km) theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, hiện nay vẫn gặp nhiều vướng mắc về nguồn vật liệu, chủ yếu là đất đắp.
Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Ninh Bình, theo hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự án sử dụng đất đắp từ 3 mỏ: Thống Nhất, Đồi Giàng và Sòng Vặn. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, khả năng cung cấp đất của các mỏ này chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, nêu chi tiết về cách thức khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu: “Nếu Bộ đã có chủ trương đề xuất, việc khảo sát và khai thác mỏ vật liệu sẽ tiến hành nhanh. Vì thực tế việc khai thác liên quan tới cự ly, khoảng cách giữa các mỏ khác nhau. Nếu Bộ có kế hoạch chấp thuận về mặt cự ly để vận chuyển vật liệu từ các mỏ được chấp thuận sau, thực tế sẽ đáp ứng được nhu cầu, không lo thiếu vật liệu xây dựng cao tốc”.
Qua kiểm tra thực tế, có 6/11 dự án thành phần đang được các nhà thầu triển khai thi công thì có 3 dự án (Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây) đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn vật liệu nghiêm trọng. Hiện tượng một số chủ mỏ tăng giá bán vật liệu, cố tình tạo sự khan hiếm, đẩy giá tăng nhiều so với giá vật liệu do địa phương công bố tại thời điểm khảo sát là có thật. Điều này khiến khả năng dẫn đến tiến độ dự án phải kéo dài, khó hoàn thành trong năm 2022-2023 như kế hoạch.
Giải pháp ưu tiên là đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục còn thiếu cho các mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được. Sớm cấp phép cho các mỏ đã có trong quy hoạch; gia hạn giấy phép đối với các mỏ đã hết hạn nhưng còn trữ lượng đảm bảo nhu cầu đáp ứng nguồn vật liệu cho dự án.
Ông Lê Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), nêu thực trạng và đề xuất sự phối hợp hỗ trợ từ phía các địa phương.
“11 dự án cao tốc cần tổng 52 triệu m3 đất đắp. Dự án Mai Sơn – QL45 cần 7 triệu khối, QL45- Nghi Sơn có nhu cầu khoảng 4,5 triệu m3... Đối với 3 dự án mới khởi công (Mai Sơn-QL45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây) nếu không có sự hỗ trợ từ các địa phương cấp phép khai thác và gia hạn đối với các mỏ khai thác vật liệu, nguy cơ thiếu là rất cao và ảnh hưởng tới tiến độ dự án”, ông Tiến chỉ rõ.
Nguyên nhân thiếu nguồn vật liệu được chỉ ra là do công tác tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, khảo sát mỏ vật liệu chưa tốt, thiếu kỹ lưỡng về chất lượng cũng như trữ lượng của mỏ vật liệu, trong khi các mỏ đang khai thác đồng thời phải cung cấp cho nhiều dự án. Các Ban quản lý dự án chưa thực sự quan tâm, sát sao trong việc rà soát, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý những vướng mắc trong thủ tục cấp mỏ vật liệu cho dự án. Công tác phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương chưa tốt.
Tháo gỡ những vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, công tác quản lý nhà nước về giá xây dựng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Có giải pháp, chế tài kịp thời phù hợp để chống độc quyền, đầu tư tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng cao tốc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ có các phương án phối hợp và đề nghị các tỉnh cần chỉ đạo các sở ban ngành địa phương thực hiện tốt quản lý xây dựng, có giải pháp chế tài kịp thời, phù hợp để chống độc quyền và xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Bộ GTVT và UBND các tỉnh cũng cần khẩn trương phối hợp khảo sát các khu vực lân cận dự án để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng trữ lượng cung cấp cho các dự án thành phần cao tốc, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới tiến độ dự án cao tốc./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/du-an-cao-toc-bac-nam-cham-do-thieu-nguyen-vat-lieu-865391.vov