Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp được tái khởi động

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vốn bị dừng từ năm 2019 nay đã được Chính phủ ban hành nghị quyết về việc bố trí vốn đối ứng.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến giao thông quan trọng của khu vực Nam Bộ. Ảnh TL

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến giao thông quan trọng của khu vực Nam Bộ. Ảnh TL

Ngày 30/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án) như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước đó, VEC kiến nghị cho sử dụng số tiền 758 tỉ đồng từ nguồn thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý đang tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa đến kỳ trả nợ vay làm đường cao tốc cho Nhà nước, để làm vốn đối ứng cho dự án.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km khởi công từ năm 2014 với tổng mức đầu tư là 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (11.975 tỉ đồng), Ngân hàng Phát triển châu Á (13.654 tỉ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (5.689 tỉ đồng).

Trước đây, do vướng mắc về cơ chế đối với các nguồn vốn, trong đó nguồn vốn đối ứng còn có ý kiến khác nhau về trách nhiệm bố trí, nên từ năm 2019 đến nay dự án chưa được giao vốn đối ứng. Từ đó đến nay, dự án dừng thi công.

Trong nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất (trong đó có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành Dự án).

VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai Dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Đến đầu quý 4 năm 2022, VEC công bố thông tin cho biết, giá trị sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt 10.967 tỷ đồng, tương đương 79,96% giá trị xây lắp của dự án (theo hợp đồng gốc).

Theo Quyết định số 1131 ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thời gian hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng là trước ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), vốn đối ứng và thủ tục phê duyệt chủ trương sử dụng vốn dư, thời gian phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu mới tại gói J1 và J3..., VEC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 30/9/2025.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/du-an-cao-toc-ben-luc-long-thanh-sap-duoc-tai-khoi-dong-172230331083800273.htm