Dự án cầu Đuống mới nguy cơ dừng thi công do Hà Nội chậm mặt bằng
Trước thông tin cầu Đuống mới bị chậm tiến độ (Tiền Phong đã phản ảnh), ảnh hưởng đến giao thông và hiệu quả đầu tư của dự án, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt, Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân chính là mặt bằng địa phương bàn giao chậm, dự án có nguy cơ phải dừng thi công trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Xuân Tân, Giám đốc Quản lý dự án thi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (dự án thi công cầu Đuống mới), Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt, Bộ Xây dựng cho biết, dự án thi công cầu Đuống mới gồm 2 hợp phần xây dựng, bao gồm cầu đường sắt vượt sông Đuống và công trình cầu đường bộ vượt sông Đuống. Trong đó, hợp phần xây cầu đường sắt qua sông Đuống ở phía thượng lưu cầu Đuống cũ đang triển khai theo kế hoạch.

Cầu Đuống mới có nguy cơ dừng thi công vì thiếu mặt bằng sau khi làm xong 2 trụ cầu ở lòng sông. Ảnh: T.Đảng
Tuy nhiên, tại công trình xây cầu đường bộ qua sông Đuống, sau 9 tháng khởi công (từ tháng 7/2024 đến nay) vẫn chưa được bàn giao hơn 49 ha mặt bằng để thực hiện tổng thể dự án. “Tại công trình cầu đường bộ qua sông Đuống, hiện cả cầu cạn, đường dẫn ở cả hai đầu phía Long Biên và Gia Lâm vẫn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng”, ông Tân nêu thực tế.
Theo kế hoạch đã được thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ GTVT) quý I/2024 các quận Long Biên và huyện Gia Lâm sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án, nhưng đến nay đã hết quý I/2025 mặt bằng dự án vẫn chưa được bàn giao.
Theo ông Tân, việc cầu đường bộ qua sông Đuống không có mặt bằng để thi công cầu dẫn, đường dẫn, đặc biệt là các trụ làm đối xứng với trụ T4, T5 nên không thể thi công phần đúc hẫng.
“Hiện tại công trình cầu đường bộ chỉ đang thi công các trụ T4, T5 ở lòng sông (không ảnh hưởng đến mặt bằng trên cạn), nhưng phần thi công này chỉ đến hết quý II/2025 là các nhà thầu thi công xong, nếu không chuyển sang thi công phần đúc hẫng dầm cầu thì từ tháng 7/2025 dự án phải dừng thi công cầu đường bộ vì thiếu mặt bằng” - ông Tân thông tin.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo tháng 5/2025 xong mặt bằng
Trước việc dự án bị chậm và thiếu mặt bằng thi công, từ cuối năm 2024 đến nay, Ban QLDA đường sắt, Bộ Xây dựng đã 7 lần gửi văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội đốc thúc, tháo gỡ. Trong đó văn bản gần đây nhất (văn bản lần thứ 7), lãnh đạo Ban QLDA đường sắt cho biết, đến tháng 3/2025 các đơn vị thi công đã hoàn thành cơ bản các hạng mục không vướng mặt bằng.
“Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các địa phương và có nhiều văn bản kiến nghị lên UBND thành phố Hà Nội, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng tiến độ vẫn rất chậm và không đáp ứng kế hoạch chung đặt ra” – lãnh đạo Ban QLDA đường sắt nêu rõ.
Theo Ban QLDA đường sắt, đến nay UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm mới chỉ bàn giao một phần mặt bằng đất công, đất vườn hoa, cây xanh khoảng 4.000 m2, phần mặt bằng còn lại hơn 49 ha vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho dự án. Dẫn kế hoạch GPMB của UBND huyện Gia Lâm, quận Long Biên dự kiến hoàn thành và thông báo với dự án là trong quý IV/2025, Ban QLDA đường sắt đánh giá, như vậy dự án không thể hoàn thành theo tiến độ trong năm 2025, dự án chắc chắn phải điều chỉnh tiến độ.

Ông Mai Xuân Tân, Giám đốc Quản lý dự án cầu Đuống mới trong buổi trao đổi với PV Tiền Phong.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có cuộc họp với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu, quận Long Biên và huyện Gia Lâm cần hoàn thành các bước trình tự và thủ tục trong đó có xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 5/2025. Tuy nhiên, đánh giá về việc này ông Tân cho biết, khó thực hiện, vì hiện nay khu tái định cư cho hơn 140 hộ dân phải di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án vẫn chưa được 2 quận, huyện sắp xếp, bố trí xong.
Ngày 14/4, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND quận Long Biên và huyện Gia Lâm cho biết, dự án có khối lượng GPMB rất lớn, trong đó phần đường dẫn và cầu cạn phải di dời hơn 140 hộ dân nên số lượng nhà và khu tái tái định cư cần bố trí, xây dựng không hề nhỏ, cần có thời gian. Cùng với đó, lãnh đạo hai địa phương này cũng dẫn ra khó khăn, từ 1/8 Luật Đất đai mới có hiệu lực và thay đổi về nhiều quy định, trong đó có giá thu hồi, đền bù nên gần như hồ sơ, quy trình lại phải xây dựng lại…
Đề cập đến nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, lãnh đạo UBND quận Long Biên và huyện Gia Lâm cho biết, địa phương đang cố gắng trong tháng 5/2025 hoàn thành các thủ tục di dời, bố trí quỹ nhà tái định cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, quận đã yêu cầu các phòng ban chủ động làm việc với Văn phòng UBND thành phố, các sở ngành và các đơn vị có liên quan, trong tuần này rà soát xong các thủ tục cần thực hiện, sau đó ban hành các quyết định tiếp theo để hoàn thành công tác GPMB các phần đất còn lại của dự án trong thời gian sớm nhất.
Dự án xây dựng cầu Đuống mới được Bộ GTVT nay là Bộ Xây dựng phê duyệt năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng gồm 2 nguyên đơn là cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông. Cầu đường sắt và cầu đường bộ nằm cách nhau khoảng 100 mét, trong đó cầu đường sắt nằm ở bên phải (thượng lưu) và cầu đường bộ nằm ở bên trái (hạ lưu) cầu Đuống cũ hiện nay theo hướng Bắc Nam.
Dự án cầu mới được khởi công tháng 7/2024 và dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2025 với mục tiêu tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1. Cầu đường bộ được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp dây văng; cầu có chiều dài 700 mét, rộng 18 mét tương đương 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.