Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở Sài Gòn có nguy cơ trễ hẹn
Dự kiến hoàn thành vào cuối năm, tuy nhiên dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM có nguy cơ trễ hẹn do việc bàn giao mặt bằng không được thực hiện như cam kết.
Khởi công từ tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) lẽ ra đã đi vào vận hành được hơn 1 tuần. Nhưng đến nay, công trường này vẫn còn ngổn ngang.
Ba năm qua, cứ mỗi lần đoàn kiểm tra của TP xuống làm việc, nhà đầu tư lại đề nghị chính quyền sớm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, chỉ có 2/5 quận, huyện bàn giao đủ mặt bằng như cam kết trước đó.
Hứa xong rồi chờ
Hồi tháng 3, khi Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân xuống làm việc, nhà đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam cam kết đẩy hoàn thành vào cuối năm nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6.
Cũng ở buổi làm việc đó, lãnh đạo các quận 4, 7, 8 và 2 huyện liên quan là Bình Chánh, Nhà Bè cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước 30/6. Nhưng đến đầu tháng 7, chỉ có quận 4 và quận 7 làm được việc này. Còn quận 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè vẫn chưa thực hiện cam kết trên vì vướng cả trăm hộ dân và tổ chức.
Tại huyện Nhà Bè, 3 cống kiểm soát triều Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và 3 tuyến đê kè vẫn đang thi công kiểu "da beo". Công tác giải phóng mặt bằng ở huyện này còn vướng hơn 100 hộ dân và tổ chức, doanh nghiệp.
Huyện Bình Chánh còn 7 hộ bị ảnh hưởng khi thi công cống kiểm soát triều Cây Khô chưa di dời. Còn quận 8, việc xây dựng cống kiểm soát triều Phú Định ảnh hưởng đến 14 hộ dân và Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn.
Trong tháng 6, UBND quận 8 đi vận động người dân nhưng chỉ có 8 hộ đồng ý nhận tiền. Một số hộ khác đang chờ UBND TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp bổ sung. Còn Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn yêu cầu muốn thu hồi phải có ý kiến chính thức của đơn vị cho doanh nghiệp này thuê đất là Sở Tài nguyên và Môi trường TP.
Trước tình trạng ì ạch của các địa phương, UBND TP.HCM đã yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giao mặt bằng, chuẩn bị thủ tục cưỡng chế đối với các hộ không tự nguyện bàn giao. Thế nhưng, các địa phương cho hay hồ sơ pháp lý để cưỡng chế chưa đầy đủ nên chưa thể ra quyết định cưỡng chế.
Lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết một số hạng mục vẫn chưa xác định được ranh thu hồi đất nên chưa đủ căn cứ ban hành quyết định thu hồi đất và cưỡng chế. Một số địa phương khác vẫn đang chờ TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bổ sung.
“Giao mặt bằng tới đâu, thi công tới đó”
Ông Võ Trung Trực, Phó ban chuyên trách Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP, nhận định nguyên nhân khiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài ngoài liên quan hồ sơ pháp lý còn do một số sở, ngành chưa quyết liệt. Nhiều quận, huyện chỉ gửi văn bản rồi chờ đợi, không theo dõi tiến độ giải quyết để hối thúc.
Còn chủ đầu tư dự án cho biết chính quyền bàn giao mặt bằng đến đâu, đơn vị sẽ thi công đến đó. Doanh nghiệp này chưa thể khẳng định dự án có thể hoàn thành vào cuối năm nay như dự định hay không vì còn phụ thuộc vào thời điểm các quận, huyện bàn giao mặt bằng.
Theo hợp đồng tín dụng, thời hạn tái cấp vốn cho dự án kết thúc từ ngày 30/6. Ông Trực lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Cụ thể, một số hạng mục như cống kiểm soát triều Phú Xuân, Mương Chuối, các tuyến đê kè 1, 2, 3 dự kiến giữa tháng 7 sẽ chi trả cho người dân nên nếu không có kinh phí thì sẽ rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Còn nếu cưỡng chế thu hồi đất khi chưa chi trả kinh phí cho người dân thì sẽ phát sinh thêm khoản tiền chậm nộp với lãi suất 0,05%/ngày. “Chúng tôi đã kiến nghị Thường trực UBND thành phố khẩn trương làm việc với chủ đầu tư, ngân hàng BIDV để sớm có giải pháp đảm bảo kinh phí chi trả cho người dân”, ông Trực cho biết.