Dự án chống ngập khủng 'đắp chiếu'
Là công trình trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam đầu tư dù đã hoàn thành hơn 90% tổng khối lượng công việc nhưng đã 'đắp chiếu' suốt 4 năm qua. Dù đã có một số tín hiệu dự án khổng lồ này chuẩn bị tái khởi động nhưng người dân sinh sống gần khu vực dự án vẫn lo sợ sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều đợt triều cường nữa.
Bà Nguyễn Thị Vân, 47 tuổi trú tại đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TP HCM) chia sẻ, hơn 6 năm trước, khi dự án được khởi công, hàng trăm người dân ở khu vực này vui mừng vì sắp thoát khỏi tình trạng ngập nước do triều cường đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, sau đó nhiều người bắt đầu thất vọng vì dự án bị dừng lại.
“Lúc đầu nghe nói khi cống Tân Thuận xây xong thì sẽ không còn triều cường nữa nhưng đến nay, người dân quanh đây vẫn bì bõm hàng tháng khi triều lên. Tội nhất là tụi trẻ đi học về tuyến đường này nằm ven kênh, nước dâng lên nhiều lúc ngập cả đường nữa. Nếu không có hàng cây thì không biết đâu là đường, đâu là kênh nữa” - bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, thường mực nước triều cường chỉ dâng cao khoảng hơn 1 mét nước so với bình thường, lâu lâu có đợt đỉnh triều cao khoảng 1,5m thì đường sẽ ngập sâu. Ngoài ra khi mùa mưa tới, nếu triều cường dâng lên đúng hôm trời mưa thì khu vực này gần như không thể di chuyển bằng xe gắn máy.
Thực tế ghi nhận của phóng viên, dù có hệ thống kênh rạch, sông ngòi đan xen nhưng hiện nay ở TP HCM không còn nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường vì hệ thống đê bao, đường nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đường bị ảnh hưởng bởi triều cường như tuyến đường Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, quốc lộ 50... cùng một số tuyến đường nhỏ, khu dân cư.
Việc triều cường nhấn chìm các tuyến đường trên cũng ảnh hưởng nhiều tới giao thông, sinh hoạt, đời sống của người dân. Theo dự kiến, dự án chống ngập sẽ giải quyết tình trạng trên, đồng thời hỗ trợ việc chống ngập các khu vực đô thị khác khi mưa lớn xuất hiện. Song tới nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục thi công.
Ngoài việc lỗi hẹn, tình trạng bỏ dở thi công nhiều năm qua cũng khiến giao thông đường thủy trong khu vực này bị ảnh hưởng đáng kể.
Dù chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng nào ở khu vực thi công dự án nhưng nhiều ghe thuyền lớn di chuyển khó khăn do các cống ngăn triều ở khu vực này bị bỏ dở, không thi công.
Được khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành tháng 4/2018 nhưng tới tháng 2/2018, dự án bất ngờ tạm ngưng thi công do thủ tục cấp vốn.
Tiếp đó, dự án lần thứ 2 tạm ngưng vào cuối năm 2020 do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020).
Theo tìm hiểu, đây là dự án xây dựng theo hình thức đổi đất lấy công trình BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, dự án gặp một số vấn đề về thủ tục. Cụ thể, vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư.
Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, theo Nghị định 15 quy định hợp đồng phải được báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án PPP. Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND TP HCM có báo cáo và được HĐND TP HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Dù tháng 4/2021, Chính phủ đã ra nghị quyết tạo cơ chế đặc thù cho dự án nhằm tháo gỡ vướng mắc nhưng tới nay vẫn còn một số phụ lục hợp đồng chưa được giải quyết triệt để do đó ngân hàng chưa có cơ sở để gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Như Quốc Bảo- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết UBND TP HCM đã làm việc với các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ dự án sớm hoàn thành. Trong đó, các thủ tục với bộ ngành đã cơ bản được giải quyết và thành phố đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước theo.
Đặc biệt, TP HCM đang rà soát và đề xuất một số quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng dự án này. Chính quyền TP HCM đặt mục tiêu dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 và đưa vào sử dụng, quyết toán hoàn tất năm 2023.
Ngoài ra, theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, dù thời gian kéo dài nhưng chất lượng công trình không bị ảnh hưởng nhiều và tổng mức đầu tư không tăng so với trước.
Trước đó vào năm 2021,sau khi quyết định tạm dừng dự án lần 2, chủ đầu tư cho biết chi phí có thể sẽ tăng do việc ngưng thi công, máy móc không hoạt động, chi phí lãi vay, thuê kho bãi, công nhân... có thể lên đến 600 tỷ đồng.
Trong khi chờ cơ quan chức năng và doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục, tái thi công thì hàng ngàn người dân trong vùng dự án vẫn tiếp tục sống trong điệp khúc ngập nước vì triều cường. Đặc biệt khi mùa mưa sắp bắt đầu, tình trạng ngập có thể diễn biến khó lường hơn nếu xảy ra điều kiện kép khi mưa trong những ngày triều lên.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-an-chong-ngap-khung-dap-chieu-5683055.html