Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa bị Thanh tra Chính phủ đưa vào 'tầm ngắm'
Trong danh sách 94 dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội tại TP Hồ Chí Minh sẽ phải thanh tra theo quyết định ngày 22/7 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 và đoạn 4 kè bờ sông Sài Gòn thuộc diện bị thanh tra…
Chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa một dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh nhằm giải quyết tình trạng sạt lở bờ kênh, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân nên cách đây gần 20 năm, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bằng vốn ngân sách.

Tình trạng sạt lở bờ sông Sài Gòn ở khu vực triển khai dự án.
Quy mô dự án gồm đoạn kè dọc bờ kênh Thanh Đa dài 2km, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua. Phần kè bờ sông Sài Gòn dài 9,5km còn lại được chia thành 3 đoạn, trong đó đoạn 2 dài 2,8 km, đoạn 3 dài 3,2km và đoạn 4 dài 2,8km. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án hơn 1.340 tỷ đồng. Các đoạn kè bờ sông Sài Gòn cũng đã được khởi công từ nhiều năm qua. Trong đó, đoạn 4 có mức vốn hơn 380 tỷ đồng, gồm hai gói thầu thảm đá phần công trình dưới nước đã được khởi công từ năm 2014 do Công ty CP xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương thực hiện. Gói thầu phần trên cạn là thân kè và đỉnh kè do liên danh Công ty CP tập đoàn Anh Vinh - Công ty TNHH Thành Hưng - Công ty TNHH thương mại và xây dựng Vũ Bách thực hiện với giá trị gần 177 tỷ đồng cũng đã được khởi công từ năm 2018.
Trước tình trạng nhà thầu liên tục chậm tiến độ, Thanh tra Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) đã vào cuộc kiểm tra. Kết luận của Thanh tra GTVT về đoạn 4 vào tháng 5/2024 xác định, trong khi hai nhà thầu trong liên danh đã gần hoàn thành phần việc đảm nhận (đạt 98%), thì phần việc của Công ty CP tập đoàn Anh Vinh (Công ty Anh Vinh) mới chỉ đạt 18%. Thời gian chậm tiến độ thi công tính đến khi thanh tra là hơn 2 năm so với phụ lục hợp đồng.
Trong khi đó, tiến độ theo dự kiến ban đầu của đoạn kè sông này là từ năm 2012 - 2015, sau nhiều lần điều chỉnh, nhà thầu vẫn chậm tiến độ. Vì vậy chủ đầu tư dự án là ban Giao thông đã thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Anh Vinh.
Kết luận của Thanh tra GTVT còn chỉ rõ, việc thi công chậm tiến độ, thi công dang dở, ngừng thi công trong thời gian dài đã dẫn đến các đoạn kè cũ bị tái lấn chiếm. Các đoạn thi công chưa hoàn chỉnh bị tác động làm giảm chất lượng. Đồng thời đoạn kè bờ sông này nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, do thi công dở dang kéo dài đã đe dọa tính mạng người dân và công trình lân cận. Trách nhiệm này thuộc chủ đầu tư, cá nhân, bộ phận được giao nhiệm vụ quản lý dự án. Ngoài ra, trách nhiệm để xảy ra các vi phạm kéo dài tại dự án này thuộc về đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH Tư vấn trường Đại học Thủy lợi và chủ đầu tư.
Đoàn thanh tra kiến nghị chủ đầu tư kiểm điểm, có hình thức xử lý đối với các cá nhân, bộ phận liên quan; khẩn trương, kiên quyết xử lý theo quy định của hợp đồng đã ký kết đối với Công ty Anh Vinh; có giải pháp kiểm tra, kiểm định, đánh giá lại nhằm bảo đảm về chất lượng đối với các hạng mục đã thi công chưa hoàn thiện trước khi bắt đầu triển khai lại việc thi công đến hoàn chỉnh công trình.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ số tiền đã cho nhà thầu tạm ứng khi thi công công trình và kiến nghị xử phạt Công ty Anh Vinh; xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư là Ban Quản lý công trình giao thông về 2 hành vi, trong đó có việc vi phạm về lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định. Cũng giống như đoạn số 4, đoạn số 2 với giá trị 204 tỷ đồng do công ty Anh Vinh trúng thầu cũng chưa được hoàn thành và đã bị Ban Giao thông chấm dứt hợp đồng.
Công ty TNHH tư vấn Trường đại học Thủy lợi với trách nhiệm tư vấn giám sát đã thiếu kiểm tra, để xảy ra vi phạm như vậy, nhưng sau đó công ty này vẫn tiếp tục là nhà thầu tư vấn tại Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Trong đó riêng khoản tiền dành cho chi phí tư vấn đầu tư xây dựng dự án đã lên đến hơn 121 tỷ đồng. Nhà thầu tư vấn này được giao tổ chức tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập khảo sát xây dựng dự án. Nhưng trong khi dự án chưa làm xong đã phải điều chỉnh, thì báo cáo với UBND thành phố về tình hình thực hiện dự án gần đây, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Hạ tầng - chủ đầu tư dự án gần chục nghìn tỷ này đã cho biết: Ngày 25/11/2024 Công ty TNHH tư vấn Trường Đại học Thủy Lợi đã chính thức trả lời không tham gia việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án.
Do đó vì sao nhà thầu tư vấn lại có thể dễ dàng “phủi tay”, không hề chịu chế tài nào về thiếu sót hay thiệt hại của dự án liên quan đến trách nhiệm tư vấn là câu hỏi đang được dự luận đặt ra.