Dự án CSSP nâng cao vai trò của phụ nữ và các vấn đề về giới

Dự án CSSP gồm có 4 hợp phần, đối tượng chính của dự án là các người yếu thế như: Phụ nữ, người nghèo, thanh niên và các vấn đề giới, yếu tố là điểm then chốt ưu tiên hàng đầu. Sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động đầu tư, hỗ trợ và được quy định tại các Sổ tay hướng dẫn thực hiện hoạt động.

 Sự tham gia tích cực của nữ giới còn được thể hiện rõ nét khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo hoặc làm chủ.

Sự tham gia tích cực của nữ giới còn được thể hiện rõ nét khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo hoặc làm chủ.

Sự tham gia tích cực của nữ giới còn được thể hiện rõ nét khi triển khai quy trình giao đất lâm nghiệp, sự tham gia của phụ nữ trong các cuộc họp thôn, xác định tuyến trên thực địa chiếm tới 72,7%. Đây là con số ấn tượng thể hiện về vấn đề trao quyền cho người phụ nữ trong gia đình. Lãnh đạo là nữ giới trong các hoạt động dự án hỗ trợ chiếm tỷ lệ tương đối cao với 37,6% tổ trưởng là nữ giới qua quỹ CSG và 67% nữ giám đốc các HTX, doanh nghiệp được tài trợ từ quỹ APIF. Về đối tượng thanh niên cũng được dự án quan tâm với 18,3% tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) thuộc quỹ CSG trong độ tuổi thanh niên (từ 18-30 tuổi).

Chị Nông Hải Phượng, một thành viên của Tổ TK&VV thôn Khau Ngòa, xã Cư Lễ, huyện Na Rì được biết đến là tấm gương sáng trong phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển. Trước đây gia đình chị Phượng nuôi gà thịt, trung bình khoảng 500 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa đem lại thu nhập 45 triệu đồng/năm. Để phát triển quy mô chăn nuôi, gia đình chị đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (HTPNPT) với phương án sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi gà.

Ngay sau khi vay được vốn, vợ chồng chị Phượng sửa lại chuồng trại nuôi gà, tăng quy mô từ 500 con lên 1.500 con/lứa, nuôi bán công nghiệp với hai giống là gà hồ mào cờ và giống Ta Lò. Bằng kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi quy mô nhỏ trước kia, nay kết hợp kỹ thuật từ dạy và hướng dẫn từ dự án, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi gà trong và ngoài tỉnh, đàn gà của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, mang lại giá trị thu nhập ngày càng cao.

 Mô hình nuôi gà của chị Nông Hải Phượng - một thành viên của Tổ TK&VV thôn Khau Ngòa, xã Cư Lễ, huyện Na Rì - điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển.

Mô hình nuôi gà của chị Nông Hải Phượng - một thành viên của Tổ TK&VV thôn Khau Ngòa, xã Cư Lễ, huyện Na Rì - điển hình trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển.

Với đức tính cần cù, sáng tạo chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn đã tự tin vươn lên làm giàu và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ: “Khi mới bắt đầu, khó khăn lớn nhất đầu tiên phải kể đến là vốn. Thành lập HTX thì ngoài chi phí đầu tư máy móc, công nghệ, nhà xưởng, vốn điều lệ cũng lên đến cả mấy tỷ đồng khiến tôi vô cùng lo lắng”.

 Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen của HTX nông nghiệp Tân Thành được thị trường đón nhận.

Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen của HTX nông nghiệp Tân Thành được thị trường đón nhận.

Nhận thấy những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Dự án CSSP Bắc Kạn đã hỗ trợ hợp tác xã hơn 1,6 tỷ đồng thông qua quỹ APIF. Cùng với nguồn vốn đối ứng của HTX, chị Minh đã đầu tư mua máy móc, phương tiện, xây dựng vùng nguyên liệu. Chỉ trong vòng 2 năm sau khi triển khai tiểu dự án, doanh thu của HTX đã tăng gấp 1,8 lần. Năng lực thu mua và khối lượng các sản phẩm đầu ra của HTX tăng lên từ 1,6 đến 2 lần và duy trì ổn định. Mở rộng vùng nguyên liệu tăng từ 90 lên 120ha. Từ đó, nghệ của bà con nông dân trong vùng trồng ra không còn phải phụ thuộc vào thương lái ép giá, không còn cảnh bỏ hư hỏng ngoài đồng vì không có đầu ra.

Có thể thấy Dự án CSSP đã góp một phần vào công cuộc bình đẳng giới tại tỉnh Bắc Kạn. Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng, hiện thực hóa ý tưởng, vốn khởi sự kinh doanh, vượt qua mọi thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực, như: Quản lý nhà nước, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội, đối ngoại…

Với một tỉnh vùng cao, mặt bằng dân trí còn hạn chế như Bắc Kạn thì việc ngày càng nhiều phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ biết lo lắng việc bếp núc. Họ đang chứng tỏ một cách thực tế bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước./.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/du-an-cssp-nang-cao-vai-tro-cua-phu-nu-va-cac-van-de-ve-gioi-post65855.html