Dự án CSSP phát huy nguồn lực từ Nhân dân trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng

Với phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng' trong việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, Dự án CSSP đã góp phần nâng cao vai trò của Nhân dân, huy động được nguồn lực từ Nhân dân để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

 Những con đường được Dự án CSSP đầu tư mang lại cơ hội giao thương cho người dân.

Những con đường được Dự án CSSP đầu tư mang lại cơ hội giao thương cho người dân.

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn do Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ, triển khai trên địa bàn 33 xã thuộc 04 huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn và 02 xã thuộc huyện Bạch Thông. Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của hộ nghèo và cận nghèo một cách bền vững.

Hoạt động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng được thiết kế nhằm hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương và đóng góp vào việc hoàn thành các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư trực tiếp thực hiện đối với các công trình có tổng mức đầu tư đến 1,8 tỷ đồng đã giúp nâng cao năng lực của cấp xã.

 Có đường giao thông giúp phát triển sản xuất nông nghiệp.

Có đường giao thông giúp phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tính đến nay, đã có 229 công trình gắn với phát triển sản xuất được đầu tư. Trong đó, có 204 công trình đường giao thông với tổng số 307,9km đường (gồm 162km đường bê tông, 145,9km đường đất), 22 công trình thủy lợi với 14,2km kênh, đập, ống dẫn nước và 03 công trình khác với tổng số 13.871 hộ hưởng lợi (trong đó có 6.231 hộ nghèo, 2.348 hộ cận nghèo). Trong số này có 73 công trình triển khai theo hình thức cộng đồng tự thực hiện, đấu thầu cộng đồng, đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thông qua quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án CSSP đã phát huy được quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, gắn việc “dân biết – dân bàn”. Tức là người dân được trực tiếp đề xuất lựa chọn công trình, tham gia ý kiến vào quy mô công trình, biết được các yêu cầu đóng góp, trách nhiệm và quyền lợi khi xây dựng các công trình hạ tầng. Qua đó, giúp cho các công trình rất phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, tính khả thi cao, thực hiện tốt, đúng theo tiến độ về thời gian khi được phê duyệt đầu tư.

Người dân thôn Nặm Vằm, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm ai cũng vui mừng vì con đường hơn 1km đã được san ủi mặt bằng, bê tông hóa. Ông Đàm Văn Túc cho biết: “Gia đình tôi cùng nhiều bà con định cư ở đây đã vài chục năm. Suốt chừng ấy thời gian bà con trong thôn đều phải đi lại trên con đường đất gồ ghề, nhỏ hẹp, mưa đến thì lầy lội. Từ khi được cán bộ Dự án CSSP, cán bộ xã tổ chức họp thôn lấy nhu cầu tôi đã mạnh dạn đề xuất thực hiện công trình theo hướng cộng đồng tự thực hiện. Mới đầu nhận nhiệm vụ, chúng tôi họp nhóm, thống nhất cách làm, liên hệ mua nguyên liệu, thuê máy móc và thuê kỹ thuật về hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm làm để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thiết kế. Công trình do chính người dân làm chủ, phục vụ cho chính quyền lợi của mình nên hộ dân nào cũng tham gia rất trách nhiệm”.

 Vùng hưởng lợi từ dự án giúp duy trì và phát triển bản sắc văn hóa.

Vùng hưởng lợi từ dự án giúp duy trì và phát triển bản sắc văn hóa.

Có thể thấy gắn việc “dân làm” vào xây dựng công trình cơ sở hạ tầng dự án không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho cho một bộ phận người dân tại địa phương, mà còn khích lệ tinh thần, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân. Nguồn lực của người dân trong vùng dự án được huy động một cách tối đa. Sau hơn 6 năm triển khai, đến nay dự án đã huy động hơn 172 nghìn lượt ngày công tham gia với tổng giá trị khoảng 33 tỷ đồng. Người dân còn hiến đất và tài sản trên đất để thực hiện các công trình. Từ đó diện tích nhiều loại cây trồng tăng cao từ khi có đường giao thông như: Quế, hồi tăng gấp 10 lần; mỡ, keo tăng gấp 3 lần; cây ăn quả tăng gấp 2,9 lần; bí xanh thơm tăng gấp 2,4 lần; dong riềng tăng 2,2 lần. Thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu của thị trường như: Thuốc lá, dong riềng, bí thơm, kiệu, gừng… Nhiều tổ hợp tác được thành lập và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.

 Nhiều tổ hợp tác, HTX phát triển từ nguồn hỗ trợ của Dự án CSSP.

Nhiều tổ hợp tác, HTX phát triển từ nguồn hỗ trợ của Dự án CSSP.

Khi được “dân kiểm tra, dân giám sát” tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân phát huy một cách tối đa, kịp thời phát hiện những thiếu sót, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Góp phần rất tích cực vào việc phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng và giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới về thu nhập, giao thông, thủy lợi.

Với cách làm mới sáng tạo, Dự án CSSP đã tạo một bước đột phá trong việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thay đổi tư duy. Đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân./.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/du-an-cssp-phat-huy-nguon-luc-tu-nhan-dan-trong-xay-dung-cac-cong-trinh-co-so-ha-tang-post65968.html