Dự án điện gió phá nát bán đảo Phương Mai
Bán đảo Phương Mai (nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định) là một quần thể sinh thái gồm núi đồi, rừng cây thấp ven biển, là bình phong tự nhiên che chắn thiên tai cho vùng đầm Thị Nại, vịnh Mai Hương, cảng biển Quy Nhơn và TP Quy Nhơn. Bán đảo còn sở hữu 2 điểm du lịch Kỳ Co - Eo Gió, cặp thắng cảnh đã làm nên tên tuổi du lịch Quy Nhơn và cả Bình Định. Tuy vậy, hiện bán đảo này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi quá trình thi công một số dự án.
Mất nhiều hơn được
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, dọc bán đảo Phương Mai, đồi núi đang bị hàng trăm phương tiện cơ giới đào phá, san ủi. Mặt đỉnh núi kéo dài gần 7km đang bị đào bới nham nhở để mở đường lớn, tạo mặt bằng công trình, khiến đất đá sạt lở, vương vãi khắp sườn núi. Nhìn từ trên cao, hiện trường dãy núi kéo dài chằng chịt vết cắt, đào phá, nổ mìn gây sạt lở…
Một số người dân sống ven đầm Thị Nại phản ánh, nạn “cát bay, cát nhảy”, bão cát ở khu vực dưới chân bán đảo Phương Mai đang gia tăng mạnh, tác động nặng nề vào đời sống của họ. Người dân lo ngại về thực tiễn xảy ra trái ngược với quan điểm phát triển mà lãnh đạo tỉnh đã cam kết lâu nay tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội.
Theo tìm hiểu, hiện Bình Định đang cho phép nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, điện mặt trời, điện gió… đầu tư ở bán đảo Phương Mai. Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội (2 giai đoạn) do Công ty CP Năng lượng Fico Bình Định làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 giai đoạn với tổng diện tích 376ha, vốn gần 2.600 tỷ đồng. Theo BQL KKT Bình Định, tổng dự án gồm 12 trụ điện gió (công suất 60MW), mỗi trụ 4MW (chiếm khoảng 0,56ha). Tuy vậy, quá trình triển khai thực tế thì mức độ xâm hại, tàn phá đồi núi, tự nhiên là rất lớn, rất khó để phục hồi lại được.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh (chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ) cho biết, khu vực núi Phương Mai rất có tiềm năng để khai thác năng lượng điện gió. Bởi đây là điểm cao độ, đón nhiều hướng gió Tây - Bắc, Đông - Nam, Tây - Nam… Ngoài ra, điện gió là nguồn năng lượng tái tạo có lợi ích bền vững, hài hòa với tự nhiên vì nó chiếm ít diện tích. Tuy vậy, chúng ta cần phải triển khai dự án hài hòa với tự nhiên, cảnh quan môi trường. Bởi, vai trò của dãy núi Phương Mai rất quan trọng đối với TP Quy Nhơn, sinh thái đầm Thị Nại, cảng biển Quy Nhơn… và còn liên quan đến một số yếu tố như phòng thủ quốc phòng.
“Chúng ta đã có bài học đắt giá từ KKT Nhơn Hội, đánh đổi hàng trăm hécta rừng dương ven biển và hệ lụy là nạn “cát bay, cát nhảy” gia tăng. Bây giờ tiếp tục đánh đổi ở bán đảo Phương Mai thì lâu dài sự phát triển về kinh tế, xã hội, du lịch ở đây sẽ không bền vững, mất nhiều hơn được…”, ông Anh cảnh báo.
Cần bảo vệ bán đảo Phương Mai
Nói về thực trạng trên, một lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định thừa nhận, ngay từ đầu khi cho phép đầu tư dự án đã chưa đánh giá hết tác động của nó đối với các dãy núi ở bán đảo Phương Mai. Quá trình triển khai, do phải vận chuyển các thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng nên doanh nghiệp buộc phải đào mở đường lớn nên đã tác động quá mức vào đồi núi. Hiện, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có ý kiến chỉ đạo Ban quản lý KKT tỉnh vào cuộc kiểm tra và có báo cáo, giải trình sự việc.
Từ thực tế trên, PV Báo SGGP đã có buổi làm với ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban quản lý KKT Bình Định, đơn vị quản lý trực tiếp tại KKT Nhơn Hội, bao gồm cả bán đảo Phương Mai. Ông Hùng thừa nhận các bất cập về môi trường, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ liên quan đến quá trình triển khai một số hạng mục tiền đề của Dự án điện gió Nhơn Hội. “Các bất cập phát sinh khi dự án triển khai đúng là rất phản cảm, chúng tôi đã có nhiều văn bản đôn đốc, phê bình và yêu cầu chủ đầu tư hạn chế tối đa các tiêu cực, rủi ro về môi trường tự nhiên”, vị này nói.
Ngoài ra, ngay khi phát sinh các bất cập tại Dự án điện gió Nhơn Hội, cơ quan chức năng tỉnh cũng tính toán các tác động của dự án. Tuy nhiên, do vốn đầu tư của dự án khá lớn nên Ban quản lý KKT Bình Định cho rằng cần tiếp tục đánh giá tất cả các bất cập để nhà đầu tư chấn chỉnh, khắc phục. “Lợi ích lâu dài của dự án là rất lớn, vì đây là dự án điện gió, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho địa phương”, ông Hùng nói.
Trước câu hỏi chủ đầu tư triển khai thi công dự án phá núi như vậy có sai không, mức độ như thế nào? Ông Hùng thừa nhận, Fico Bình Định có cái sai, nhưng do điều kiện địa hình khó khăn nên họ buộc phải phá núi, nổ mìn tạo ra khoảng phá núi khá lớn gây sạt lở… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban quản lý KKT Bình Định chỉ lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh, khắc phục.
Hiện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra toàn bộ các bất cập trong quá trình thi công dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng thể hiện quan điểm nhất quán là cần bảo vệ bán đảo Phương Mai.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/du-an-dien-gio-pha-nat-ban-dao-phuong-mai-729544.html