Dự án Điện mặt trời mái nhà bị tạm dừng thanh toán: Giải pháp tháo gỡ?
Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (gọi tắt ĐMTMN) trên địa bàn tỉnh phản ánh bị dừng thanh toán tiền bán điện như thường lệ với lý do dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý. Điều này khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng.
Mới đây, Điện lực Đồng Nai cùng các sở, ngành của tỉnh họp tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện.
* Bị dừng thanh toán tiền điện
Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà đầu tư hệ thống ĐMTMN tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) phản ảnh, từ tháng 3 đến nay ông không được thanh toán tiền bán ĐMTMN như thường lệ với lý do hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung đủ hồ sơ pháp lý về phòng cháy chữa cháy, xây dựng và môi trường.
Công trình ĐMTMN của ông Hùng được gắn trên mái kho chứa gỗ. Kho này đã có cấp phép xây dựng, có biên bản đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của nhà kho. Hệ thống hoàn thành và được ký hợp đồng mua bán điện từ cuối năm 2020. Từ đó đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, được ghi nhận sản lượng và thanh toán tiền đầy đủ.
Hộ ông Nguyễn Văn Sơn, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cũng bị tạm dừng thanh toán tiền ĐMTMN từ tháng 3 vì chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Ông rất mong ngành điện tiếp tục thanh toán như thường lệ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đồng Nai (TP.Biên Hòa), đơn vị chuyên thi công lắp đặt ĐMTMN cho biết, 2 năm nay rất ít cá nhân, doanh nghiệp liên hệ lắp đặt ĐMTMN vì các nguyên nhân: chính sách giá mua điện chưa có; giữa năm 2021 ngành điện giảm huy động ĐMTMN để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống; năm 2022 ngành điện đang dừng thanh toán tiền ĐMTMN vì hệ thống ĐMTMN phải bổ sung hồ sơ pháp lý. Hiện các thủ tục rất khó nên không ai muốn làm.
“Chính sách ĐMTMN thay đổi liên tục không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn tác động đến các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, đơn vị thi công lắp đặt” - ông Tuấn chia sẻ.
Hiện có rất nhiều dự án đang vướng một trong các loại giấy phép: môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đăng ký kinh doanh nên bị tạm dừng thanh toán. Điều này khiến các chủ đầu tư lo lắng.
* Giải pháp nào tháo gỡ?
Theo Điện lực Đồng Nai, Khoản 4, Điều 9, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-4-2020 quy định: tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Mặt khác, khi ký hợp đồng mua bán điện, các chủ đầu tư đã ký cam kết với ngành điện về việc phải hoàn thành đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan.
Do vậy, các điện lực đã thông báo đến khách hàng, đề nghị bổ sung các hồ sơ pháp lý theo quy định. Trong thời gian chờ các chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN bổ sung các hồ sơ pháp lý liên quan theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho hệ thống ĐMTMN, các điện lực vẫn ghi nhận sản lượng ĐMTMN phát lên lưới nhưng tạm thời ngừng thanh toán để chủ đầu tư thực hiện đúng các nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh chỉ có 4 KCN có ngành nghề đăng ký thu hút đầu tư dự án ĐMTMN mái nhà, các KCN còn lại muốn thu hút đầu tư dự án này phải bổ sung nghề thu hút đầu tư.
Thời gian qua một số doanh nghiệp có văn bản xin hướng dẫn thủ tục lắp đặt ĐMTMN trên mái nhà xưởng để sử dụng, tuy nhiên, văn bản trả lời rất “chung chung”. Doanh nghiệp muốn sản xuất xanh, sử dụng năng lượng sạch, xanh nhưng vẫn e ngại thực hiện.
Tại buổi làm việc với Điện lực Đồng Nai và các đơn vị liên quan vào ngày 7-6, ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, vướng mắc lớn nhất với các hệ thống ĐMTMN là thủ tục pháp lý. Cụ thể, hệ thống ĐMTMN trên mái nhà ở riêng lẻ vướng giấy phép đăng ký kinh doanh; hệ thống ĐMTMN trên mái trang trại nông nghiệp vướng giấy phép xây dựng trang trại và chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch mới được phê duyệt; hệ thống ĐMTMN trên mái nhà xưởng KCN vướng thủ tục về môi trường, giấy phép xây dựng.
Ông Phong đề nghị các ngành chức năng rà soát các quy định liên quan, thống nhất phương án đề xuất giải quyết. Hệ thống ĐMTMN trên mái nhà ở riêng lẻ, người dân lắp đặt để sử dụng là chính, phần còn lại bán cho ngành điện không nên cứng nhắc giấy phép phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng vì quy mô nhỏ.
Hệ thống ĐMTMN trên mái trang trại nông nghiệp mà chưa có giấp phép xây dựng thống nhất UBND cấp huyện cấp giấy phép. Sở Công thương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về hệ thống ĐMTMN trình UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành trung ương tháo gỡ.
Báo cáo của Điện lực Đồng Nai, đến tháng 6-2022 trên địa bàn tỉnh có hơn 5,9 ngàn hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng, trong đó, hơn 4,3 ngàn khách hàng sinh hoạt và hơn 1,6 ngàn khách hàng ngoài sinh hoạt. Về pháp lý: 627 hệ thống có giấy phép phòng cháy chữa cháy, 188 hệ thống có giấy phép xây dựng (giấy phép xây dựng công trình không liên quan hệ thống ĐMTMN), 15 hệ thống có hồ sơ môi trường (không có nội dung liên quan hệ thống ĐMTMN), 129 hồ sơ có đánh giá kết cấu chịu lực mái của đơn vị kiểm định độc lập, 3.659 hồ sơ có giấy đăng ký kinh doanh điện mặt trời
Ban Mai
Ông THÁI THANH PHONG, Phó giám đốc Sở Công thương: Chia dự án theo từng loại hình để tháo gỡ
Các vướng mắc liên quan đến hệ thống ĐMTMN là tình trạng chung của nhiều địa phương, cần phải tìm cách tháo gỡ để nhà đầu tư yên tâm. Cách làm hiện nay là chia dự án theo từng loại hình: mái nhà ở riêng lẻ quy mô nhỏ; mái trang trại sản xuất nông nghiệp; mái nhà xưởng khu công nghiệp, công trình công cộng. Thủ tục nào đã có văn bản, quy định hướng dẫn, các ngành chức năng tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện. Thủ tục nào chưa có hướng dẫn, đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép. Căn cứ vào văn bản trả lời các sở, ngành, Điện lực Đồng Nai thông báo đến các khách hàng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH QUỐC, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai: Thống nhất hồ sơ pháp lý dự án ĐMTMN
Thực hiện theo các quy định hiện hành và hướng dẫn của sở, ban, ngành, Công ty Điện lực Đồng Nai đã thông báo tới chủ đầu tư bổ sung hồ sơ pháp lý liên quan đến hệ thống ĐMTMN. Tuy nhiên, các chủ đầu tư gặp các khó khăn trong việc bổ sung hồ sơ pháp lý. Do đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đề nghị các sở, ban, ngành thống nhất hồ sơ pháp lý cần bổ sung cho từng loại hình hệ thống ĐMTMN và những hồ sơ đó cấp thẩm quyền nào có chức năng cấp, xác nhận.
Bà DƯƠNG THỊ XUÂN NƯƠNG, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai: Nhiều KCN vướng thủ tục thu hút ngành nghề ĐMTMN
Nhiều KCN đang vướng thủ tục thu hút ngành nghề ĐMTMN. Theo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư phải gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện thu hút đầu tư các ngành, nghề (đối với KCN đang hoạt động); bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường (đối với KCN chưa hoạt động). Nhưng hướng dẫn thực tế của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), doanh nghiệp lắp ĐMTMN tự dùng, không bán điện thương phẩm thì KCN không có ngành điện cũng không phải bổ sung ngành nghề và không phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường.