Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bế tắc, Nga gửi tối hậu thư cho EU
Nga đang phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ không cố gắng cung cấp thêm khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng nếu Moscow không được cấp phép vận hành Dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Nga đưa ra tối hậu thư
Theo các nhân vật thân cận với Điện Kremlin và tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom, Nga muốn Đức và Liên minh châu Âu chấp thuận cho nước này bắt đầu vận hành đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu, để đối lấy việc gia tăng nguồn cung.
Nghị sỹ Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachyov nêu rõ: “Chúng tôi không thể đưa ra giải pháp cứu trợ chỉ để bù đắp cho những sai lầm mà chúng tôi không phạm phải. Chúng tôi đang hoàn thành mọi hợp đồng và nghĩa vụ của mình. Mọi thứ cần phải được thực hiện dựa trên các thỏa thuận tự nguyện mà đôi bên cùng có lợi”.
Hồi đầu tuần này, nhà điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cho biết, việc bơm khí đốt vào đường ống đầu tiên của dự án đã được hoàn thành và họ đã sẵn sàng giao hàng.
Hãng tin TASS của Nga dẫn lời nhà phân tích Kateryna Filippenko thuộc Công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng có trụ sở tại Anh Wood Mackenzie nhận định: “Việc hoàn thành thủ tục bơm khí đốt ban đầu vào Dòng chảy phương Bắc 2 và quyết định của Gapzom từ chối một số lượng lớn đơn đặt hàng với các bên khác, là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Châu Âu rằng Gapzom đã sẵn sàng bổ sung ngay năng lượng nếu khu vực này “bật đèn xanh” cho Dòng chảy phương Bắc 2”.
Ông Kateryna Filippenko nói thêm: “Vào đầu mùa Thu, việc Nga siết chặt sự cân bằng khí đốt nội địa có thể là một trong những lý do làm giảm nguồn cung cho châu Âu. Nhưng hiện giờ, lượng khí đốt sẵn có đã tăng lên khi sản lượng khai thác của Nga gia tăng và việc bơm khí đốt vào các kho dự trữ của nước này dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 11”.
Hiện, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt sau khi có thông tin Gazprom chỉ đấu thầu một lượng nhỏ công suất để vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu thông qua các tuyến đường khác.
Giá nhiên liệu tăng cao đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của châu Âu. Việc bổ sung khí đốt Nga được coi là cách thức chính để tránh tình trạng suy giảm nguồn cung dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn vào giữa mùa Đông.
Cần một cái gật đầu của Đức?
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và châu Âu đang leo thang căng thẳng sau nhiều năm 2 bên áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và mâu thuẫn về một loạt vấn đề, Điện Kremlin dường như không muốn đưa ra bất cứ ưu đãi nào.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Châu Âu, chiếm 43% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, mặc dù lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu từ đầu năm năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn giảm mạnh so với giai đoạn năm 2019.
Lượng khí đốt cung cấp theo ngày đã giảm trong tháng 10/2021 và Gazprom đang nạp vào các cơ sở dự trữ của công ty này ở châu Âu với tốc độ chậm chạp. Nga cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do các quan chức và cố vấn của EU quá “cứng nhắc” khi thực hiện việc định giá khí đốt theo giá giao ngay, đồng thời quá vội vã chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Tại một hội nghị năng lượng ở Moscow vào tuần trước, Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu. Tuy vậy, ông cũng phàn nàn về tiến độ chậm trễ trong việc cấp phép cho Dòng chảy Phương Bắc 2.
“Nếu chúng tôi có thể chuyển giao khí đốt qua tuyến đường ống này thì điều đó sẽ giúp giảm đáng kể sự căng thẳng trên thị trường năng lượng châu Âu", ông Putin nói
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Dự án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép tại Đức nói riêng và EU nói chung. Các nhà quản lý Đức hiện vẫn đang xem xét đơn xin cấp phép của dự án, nhưng cho biết phải đến tháng 1/2022 họ mới có thể đưa ra quyết định ban đầu, sau đó Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục xem xét.
Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 19/10 cho biết, đại diện của Nga tại Liên minh châu Âu đã hối thúc giới chức Đức cấp phép cho dự án này trước hạn chót là ngày 8/2/2022, lưu ý rằng động thái như vậy sẽ có lợi cho người tiêu dùng châu Âu. Tuy vậy, đồng lãnh đạo Đảng Xanh của Đức, bà Annalena Baerbock cho rằng, Nga đang cố tình gây sức ép với Berlin để cho phép Dòng chảy Phương Bắc 2 đi vào hoạt động.
Là biểu tượng hợp tác đầy tham vọng giữa xứ sở Bạch Dương với "Lục địa già" nhưng Dòng chảy phương Bắc đã đối mặt với không ít thách thức kể từ giai đoạn đầu, trong đó có các biện pháp trừng phạt của Mỹ cùng nỗ lực ngăn chặn của Ba Lan và Ukraine. Những người phản đối cho rằng, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu của châu Âu, khiến khu vực gia tăng phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng của Nga và có thể khiến Tổng thống Putin củng cố ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực.
Nhiều nhà lập pháp châu Âu và Người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine cáo buộc Moscow cố tình cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để gây sức ép buộc khu vực này đẩy nhanh việc cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc đó./.