Dự án 'Dòng chảy phương Bắc 2' gặp khó
Dự án đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy phương Bắc 2' (Nord Stream 2) đang gặp phải rào cản trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) vốn không mấy êm đẹp trở nên căng thẳng liên quan đến vụ nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc. Trước tình hình này, giới chức Đức vẫn muốn hoàn thành dự án trên.
Ngày 18-9, tại một hội nghị ở thủ đô Berlin của Đức, các thủ hiến 6 bang Đông Đức gồm Berlin, Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thüringen đã nhất trí tiếp tục ủng hộ việc hoàn tất dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Theo Reuters, các thủ hiến 6 bang trên nhận định, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với an ninh năng lượng của Đức và các nước châu Âu khác. Bởi vậy, họ cho rằng việc hoàn thành dự án là hợp lý và đúng đắn.
Tuyên bố của giới chức Đức được đưa ra giữa lúc việc triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đang gặp khó do vụ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny bị đầu độc. EU và Mỹ đã cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc này. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng cáo buộc trên là vô căn cứ và kiên quyết bác bỏ, đồng thời khẳng định việc đầu độc ông Navalny không mang lại ý nghĩa gì.
Trước đó, ngày 17-9, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết liên quan đến vụ ông Alexei Navalny bị đầu độc. Theo RIA Novosti, EP yêu cầu tiến hành một “cuộc điều tra quốc tế độc lập” để tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ngoài ra, EP cũng kêu gọi tất cả các nước thành viên EU từ bỏ việc hoàn thành xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bình luận về động thái trên của EP, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Moscow sẽ có phản ứng nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên nước này.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu là Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall Dea đã cùng nhau hợp tác triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” để đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới châu Âu. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này ước tính khoảng 11 tỷ USD, trong đó 50% kinh phí do Gazprom cung cấp, số tiền còn lại chia đều cho các công ty châu Âu. Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã đạt 97%.
Từ lâu, việc thực hiện dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại “lục địa già”. Ngoài những nước trực tiếp liên quan đến dự án, một số quốc gia châu Âu khác, trong đó có Ba Lan, lo ngại dự án này sẽ khiến EU bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Trong khi đó, Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Những diễn biến căng thẳng xung quanh vụ ông Navalny bị đầu độc tạo sức ép cho Đức, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm và cũng quốc gia châu Âu đóng vai trò then chốt trong dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bà Manuela Schwesig, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức cho rằng không nên sử dụng dự án này để trừng phạt Nga. Bà nêu rõ: "Đây không phải là một dự án của riêng Nga và cũng không chỉ phục vụ lợi ích của Nga. Đường ống này đáp ứng lợi ích của Đức và Tây Âu khi chúng tôi muốn đạt được sự chuyển đổi năng lượng”. Ngoài Đức, Áo cũng phản đối việc gắn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với vụ đầu độc ông Navalny. Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cho rằng không cần thiết phải xem xét lại dự án này vì những hoài nghi liên quan vụ việc trên. Nhà lãnh đạo Áo khẳng định ông "không thấy có mối liên kết nào” giữa vụ việc này với dự án đường ống dẫn khí đốt, đồng thời cho rằng nên coi đây chỉ là một dự án kinh tế đơn thuần. Đồng tình với nhận định trên, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định: “Đây là một dự án tích cực. Chúng tôi cho rằng việc có thể đa dạng hóa và sử dụng những tuyến đường khác nhau để vận chuyển năng lượng tới châu Âu là điều tốt đẹp”.
Quyết định của EP không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Điều đó đồng nghĩa với việc có từ bỏ “Dòng chảy phương Bắc 2” hay không vẫn là quyết định của mỗi quốc gia thành viên EU. Do đó, các nước EU cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động bởi việc rút khỏi dự án khi tiến độ thực hiện đạt tới 97% sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài chính cho các công ty của châu Âu, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng tại “lục địa già”.