Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Nhanh chóng bàn giao 'mặt bằng sạch'

Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, hiện nay, Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối để có thể bàn giao 'mặt bằng sạch' cho chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Khi xây dựng hoàn thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng

Khi xây dựng hoàn thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng

* Tập trung tối đa cho giải phóng mặt bằng

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án Đường cao tốc Bắc - Nam cửa ngõ phía Đông. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1 khoảng 2,6km), tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Chiều dài toàn tuyến cao tốc khoảng 99km, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh.

Để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất khoảng 395ha của 884 hộ gia đình.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án tại các địa phương gồm 2 huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Trước đó, tại các địa phương này, do có một số vấn đề liên quan đến việc xác định vị trí đất để thực hiện bồi thường, đơn giá bồi thường nên bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay, các vướng mắc này đã được tháo gỡ.

Riêng tại H.Xuân Lộc, do có diện tích đất cần thu hồi lớn nên tiến độ thực hiện chậm hơn so với các địa phương khác.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua H.Xuân Lộc đi qua địa bàn 9 xã. Tổng diện tích đất cần thu hồi là 274 ha của 520 hộ dân. H.Xuân Lộc đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất đối với toàn bộ diện tích cần thu hồi.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với dự án này trên địa bàn H.Xuân Lộc. Do đó, trong thời gian tới, UBND H.Xuân Lộc sẽ tập trung thực hiện công tác áp giá, hoàn thành và phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho người dân. “Hiện nay, các đơn vị chức năng của huyện đang tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ. Theo dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được huyện hoàn thành trong tháng 5 tới”- ông Lê Khắc Sơn cho biết.

* Bàn giao trong tháng 5-2020

Để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngoài công tác giải phóng mặt bằng diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân, Đồng Nai còn phải thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: điện, viễn thông, cấp nước trong phạm vi dự án. Trong đó, việc di dời hệ thống lưới điện cao thế 220kV và 500kV là phức tạp nhất.

Do đó, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương và UBND các huyện khẩn trương thực hiện công tác này. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và TP.Long Khánh khẩn trương triển khai thực hiện các tiểu dự án trên địa bàn, di dời các hệ thống điện bị ảnh hưởng ra khỏi phạm vi dự án theo quy định.

Riêng đối với H.Cẩm Mỹ, để đảm bảo yêu cầu về quy phạm trang bị điện tại các điểm giao với đường cao tốc, UBND huyện phải tiến hành thuê tư vấn lập hồ sơ di dời công trình đường dây điện cao, trung và hạ thế. Thời gian thực hiện trong tháng 4 này.

Ông Nguyễn Hồng Quế cho hay, với tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng như hiện nay, dự kiến trong tháng 5-2020, Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ “mặt bằng sạch” cho chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ngày 26-3-2020, Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây và dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Trước đó, Bộ GT-VT từng tính toán và báo cáo Chính phủ 3 phương án điều chỉnh với các dự án Đường cao tốc Bắc - Nam gồm: phương án 1 chuyển đổi 3 dự án PPP cấp bách sang đầu tư công, giữ lại 5 dự án PPP; phương án 2 chuyển đổi đầu tư công cả 8 dự án PPP và phương án 3 tiếp tục thực hiện 8 dự án theo hình thức PPP.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202004/du-an-duong-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-nhanh-chong-ban-giao-mat-bang-sach-2997414/