Dự án Đường Hồ Chí Minh: Đánh thức tiềm năng phía Tây đất nước

Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng kiên cường của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Con đường đã trở thành huyết mạch kết nối hai miền Nam - Bắc, đóng góp to lớn vào chiến thắng vĩ đại của đất nước trong thời chiến và phát triển kinh tế xã hội thời bình.

Diện mạo đổi thay cho khu vực đồi núi phía Tây đất nước

Tháng 4/2000, Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng giai đoạn I của dự án đường Hồ Chí Minh.

Năm 2004, Nghị quyết số 38 của Quốc hội đã quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh thành công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km, kéo dài từ Pác Bó, Cao Bằng đến tận Đất Mũi Cà Mau.

Việc nâng cấp và mở rộng đường Hồ Chí Minh không chỉ giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm mà còn mang lại cơ hội phát triển cho các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Lê Ngọc Hoàn - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từng nêu, việc định hình một tuyến đường xuyên Việt thứ hai có ý nghĩa quan trọng không chỉ về giao thông.

Trục dọc này góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và an ninh, quốc phòng. Đồng thời có tác động rất lớn đến kết nối với các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia.

 Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa bàn phát triển nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Nghệ An. Ảnh: TL.

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa bàn phát triển nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Nghệ An. Ảnh: TL.

Tính đến đầu năm 2024, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.488 km (đạt hơn 90%) và khoảng 258 km tuyến nhánh. Hơn 250 km còn lại thuộc 5 dự án thành phần đang triển khai dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Nếu thời kỳ đó chúng ta chần chừ, có lẽ đã đánh mất thời cơ xây dựng kéo theo những khó khăn trong bảo vệ biên giới đất nước. Bởi đường Hồ Chí Minh đã trở thành tuyến chi viện để mở các tuyến đường biên giới và nối thông với các tuyến cửa khẩu. Tuyến đường khi hình thành cũng trở thành tuyến tránh cho Quốc lộ 1A, nhất là trong những giai đoạn ngập lụt” - ông Lê Ngọc Hoàn nhấn mạnh.

Đã hơn 24 năm kể từ ngày khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh. Tại Hà Tĩnh, điển hình là Khu kinh tế Vũng Áng, dù lợi thế cảng biển nước sâu là yếu tố quan trọng; nhưng tiềm năng về đường bộ mà nổi bật là đường Hồ Chí Minh lại góp phần tạo sức bật cho một trong những khu kinh tế quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Hàng hóa từ đây qua Lào hay vùng Đông - Bắc Thái Lan hoặc ngược lại, theo đường này với khoảng 500 km là quãng đường ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, Quảng Bình là nơi đường Hồ Chí Minh phân thành 2 nhánh trước khi vào Nam, là nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc, nút giao thông chiến lược giữa đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, nối vùng chiến lược Quảng Bình với biên giới Việt - Lào.

Ngày nay, con đường huyền thoại mang tên Bác được nâng cấp, xây dựng rộng, thoáng đãng, đi qua tỉnh Quảng Bình đã hình thành nhiều khu kinh tế mới. Địa phương đã tận dụng cơ hội này để phát triển kinh tế, khoảng cách đồng bằng và miền núi đang được rút ngắn.

Nhiều bản làng xa xôi dần lộ diện khi đường đi qua. Nhiều làng thanh niên lập nghiệp mọc lên dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng về tài nguyên, lao động; từng bước nâng cao văn hóa, dân trí ở các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Phát triển hành lang kinh tế du lịch và nông, lâm nghiệp

Trên hành trình đường Hồ Chí Minh từ tỉnh Hòa Bình đến Nghệ An, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những khu dân cư nhộn nhịp; màu xanh của núi rừng, trang trại bò sữa và đồng cỏ rộng lớn; từng chuyến xe chở nông - lâm - sản hối hả về các nhà máy chế biến.

Dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 133 km, đi qua 6 huyện gồm Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân và Như Xuân; được đầu tư xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2006.

Đây là con đường vừa có giá trị giao thông, vừa có giá trị lịch sử, được xác định là lợi thế hết sức quan trọng cho các huyện miền Tây xứ Thanh trong việc liên kết phát triển du lịch.

Các trung tâm du lịch được xác định như: Trung tâm du lịch huyện Cẩm Thủy; trung tâm du lịch Cửa Đạt, Lam Kinh... Trong đó Cẩm Thủy với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tương đối phát triển đã giúp cho địa phương đang trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực.

 Đường Hồ Chí Minh đi qua những khu vực khó khăn của tỉnh Quảng Bình giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TL.

Đường Hồ Chí Minh đi qua những khu vực khó khăn của tỉnh Quảng Bình giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TL.

Với khu du lịch văn hóa lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) là một quần thể kiến trúc cổ đang được tôn tạo để trở thành một trung tâm văn hóa lễ hội, lịch sử truyền thống có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của Nhân dân trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.

Quyết định số 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và giao thông cấp tỉnh.

Đáng chú ý hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Xa lộ nông nghiệp) sẽ là trục kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An; đặc biệt là các huyện khu vực trung du và miền núi của tỉnh.

Tại tỉnh Nghệ An, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2007. Trước đó các địa phương dọc tuyến đường đã phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp,...

Tuy nhiên sự phát triển của các lĩnh vực này thiếu tính bền vững; thiếu sự liên kết. Mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn yếu; một số chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước chậm được cụ thể hóa.

Năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3626/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện vùng dọc đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 26.492 tỷ đồng.

Trên địa bàn 5 huyện, thị xã dọc đường Hồ Chí Minh sẽ được ưu tiên đầu tư thực hiện 31 dự án phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và phát triển du lịch sinh thái.

Ông Hồ Hữu Hoài - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú (huyện Nghĩa Đàn) chia sẻ, tất cả hệ thống giao thông là điểm quan trọng để giao thương hàng hóa, nông sản cho bà con. Chính vì vậy địa phương đã chỉ đạo cho Nhân dân chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tăng năng suất, hiệu quả, thu nhập cho bà con nhân dân tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Qua 24 năm được nâng cấp, tuyến đường Hồ Chí Minh không chỉ mang đến sự đổi thay cho cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây mà còn đóng góp to lớn vào việc giữ vững an ninh quốc phòng và mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-an-duong-ho-chi-minh-danh-thuc-tiem-nang-phia-tay-dat-nuoc-post309807.html