Dự án đường Liên Sang - Khánh Thành: Trắc trở nguồn vốn
Tuy được tỉnh Khánh Hòa đề xuất vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tiểu dự án hợp phần Dự án CRIEM (Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số), nhưng đến nay, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Liên Sang - Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh dài gần 19km vẫn chưa được thi công.
Con đường huyết mạch
Chạy dọc theo con đường hiện hữu dự kiến đầu tư từ Liên Sang đi Khánh Thành, đoạn đầu dài hơn 2km đã được bê tông hóa, phần còn lại hơn 16km vẫn còn nền đất đỏ, bụi bẩn mỗi khi có phương tiện đi qua. Con đường có địa thế rất trắc trở, một bên là núi cao, một bên là vực nên rất nguy hiểm. Dọc theo tuyến đường là vùng sản xuất của người dân ở các xã trong khu vực. Theo ông Trần Hưng - cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã Liên Sang, tuyến đường này đoạn giáp các xã Cầu Bà, Khánh Thành vẫn là đường đất, mùa mưa sình lầy, mùa nắng đầy bụi, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Cử tri xã Liên Sang cũng như các xã trong khu vực đều mong mỏi Nhà nước đầu tư tuyến đường này để phát triển kinh tế vùng sản xuất.
Theo lãnh đạo xã Liên Sang, tuyến đường này đi qua vùng sản xuất trọng điểm của xã với diện tích hơn 300ha. Trong khu vực, ngoài cây keo có diện tích lớn nhất, còn có nhiều nương rẫy trồng mì, điều, bắp, lúa… Để tạo điều kiện cho người dân đi lại, những năm trước, xã, huyện đã đầu tư một đoạn của tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 2,5km. Tuy nhiên, đoạn còn lại hàng chục km vẫn chưa được đầu tư.
Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, tuyến đường Liên Sang - Khánh Thành là tuyến đường quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực các xã Liên Sang, Cầu Bà, Khánh Thành nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư. Trước đây, tuyến đường này được tỉnh đưa vào xem xét, vay vốn ưu đãi thuộc Dự án vay vốn Ngân hàng ADB. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa thấy động tĩnh.
Vẫn phải chờ…
Theo ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện chủ trương đầu tư của tỉnh về Dự án CRIEM, ban đã kiểm tra, rà soát các công trình thuộc Tiểu dự án tại Khánh Hòa. Đồng thời, liên hệ các địa phương khác liên quan để thực hiện thủ tục đầu tư. Song đến nay, việc thực hiện dự án vẫn còn rất khó khăn. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh xác định thành tố ưu đãi của dự án, trong đó có vận động thêm nguồn viện trợ không hoàn lại của ADB (ADB cam kết viện trợ 1 triệu USD trong tổng vốn dự án là 30 triệu USD). Tuy nhiên, hiện nay, ADB khẳng định không thể hỗ trợ thêm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ngoài 1 triệu USD đã cam kết cho dự án, dẫn tới thành tố ưu đãi chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, theo Luật số 03/2022/QH15 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án CRIEM thay đổi từ Thủ tướng Chính phủ sang HĐND tỉnh. Vì vậy, công tác thẩm định, quyết định chủ trương Dự án CRIEM cần chờ Chính phủ ban hành quy định. Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành quy định về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn vay ODA thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra danh mục đầu tư Tiểu dự án tại Khánh Hòa để tránh trùng lắp với các chương trình, dự án khác. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với nhà tài trợ để giảm lãi suất, giảm phí, tăng viện trợ không hoàn lại để tăng thành tố ưu đãi cho Dự án CRIEM đạt yêu cầu theo quy định hiện hành.
V.L