Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và những bước tiến quan trọng

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, phần trung nguồn của chuỗi khí điện Lô B, với tổng vốn đầu tư 1,277 tỷ USD, đang được Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) triển khai đồng bộ. Năm 2024, tập thể ban lãnh đạo và người lao động SWPOC đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Bước sang năm 2025, SWPOC quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm tiến độ đồng bộ với Chuỗi dự án khí điện Lô B.

Chuỗi dự án khí điện Lô B là một hệ thống kết nối hoàn chỉnh, dẫn khí từ thượng nguồn là Dự án phát triển mỏ Lô B, qua trung nguồn là Dự án đường ống Lô B - Ô Môn, đến các nhà máy điện hạ nguồn tại Trung tâm điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800MW. Có quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD, đây là một trong những chuỗi dự án có quy mô lớn nhất trong ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành và các bên liên quan, năm 2024, Chuỗi dự án khí điện Lô B đã đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID). Đây là một cột mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong việc triển khai dự án. Quyết định này không chỉ phản ánh sự quan tâm sâu sắc từ Chính phủ mà còn minh chứng cho sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Dầu khí.

SWPOC là 1 trong 6 tập thể có thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong công tác đầu tư năm 2024 của Petrovietnam

SWPOC là 1 trong 6 tập thể có thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong công tác đầu tư năm 2024 của Petrovietnam

Là thành phần trung nguồn của Chuỗi dự án khí điện Lô B, Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư 1,277 tỷ USD đang được SWPOC triển khai đồng bộ với tiến độ chuỗi. Năm 2024, Ban Tổng Giám đốc và tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động SWPOC đã nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Sau khi chuỗi dự án đạt FID, ngày 26/4/2024, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh của dự án đường ống đã ký thư xác nhận thỏa mãn các điều kiện tiên quyết. Trên cơ sở đó, tháng 5/2024, SWPOC đã thông báo tổng thầu hợp đồng EPC bờ triển khai toàn bộ công việc theo hợp đồng. Đến cuối năm 2024, công tác khảo sát phục vụ thiết kế chi tiết đạt 100%, thiết kế chi tiết đạt 95%. Về mua sắm, hai chuyến thép tấm đã được nhập về nhà máy (tương đương 2/3 số lượng thép) để triển khai sản xuất ống tại nhà máy PV Pipe và PV Coating. Công tác xây dựng cũng bắt đầu được triển khai sau khi SWPOC bàn giao mặt bằng trạm phân phối khí Ô Môn tại Cần Thơ cho tổng thầu.

Các gói thầu quan trọng cũng được triển khai đúng tiến độ, trong đó gói rà phá bom mìn tuyến ống bờ đạt 100% khối lượng công việc và gói bảo hiểm công trình đã lựa chọn được nhà thầu và ký kết hợp đồng để bảo đảm cho các rủi ro trong quá trình triển khai dự án.

Lãnh đạo SWPOC dẫn đoàn đối tác Nhật Bản thị sát công trường xây dựng Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC Ô Môn).

Lãnh đạo SWPOC dẫn đoàn đối tác Nhật Bản thị sát công trường xây dựng Trung tâm phân phối khí Ô Môn (GDC Ô Môn).

Công tác giải phóng mặt bằng là một điểm sáng trong năm. Khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2024. Công tác đo đạc, kiểm đếm tại các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau đã hoàn tất, bảo đảm thông tin chính xác cho quá trình bồi thường. Chính quyền một số địa phương như huyện An Biên, An Minh và Châu Thành của tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai công tác chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ tháng 12/2024. Sự hỗ trợ, đồng thuận của chính quyền địa phương không chỉ giúp cho các hộ dân được ổn định cuộc sống trước Tết Ất Tỵ (2025) mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho SWPOC bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu thi công.

Năm 2025, SWPOC đặt mục tiêu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm tiến độ đồng bộ với Chuỗi dự án khí điện Lô B. Trong đó, gói thầu EPC bờ sẽ hoàn tất công tác gia công, chế tạo và bọc ống, đồng thời thi công hạ tầng và nền móng tại các trạm và tuyến ống. Đối với các gói thầu PC biển (thi công đường ống ngoài khơi), SWPOC dự kiến sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu sẽ tiến hành mua sắm thép tấm, chế tạo và bọc ống. Đơn vị phấn đấu hoàn thành công tác đền bù giải phóng tuyến ống và các trạm; hoàn thành rà phá bom mìn tuyến ống biển để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đường ống trên biển.

Nhận thức được nhiều khó khăn để đạt được các mục tiêu cho năm 2025, bao gồm khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu lớn, ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị và biến động kinh tế toàn cầu, cùng với chi phí giải phóng mặt bằng và giá vật liệu tăng cao…, SWPOC đã đề ra các giải pháp cụ thể và toàn diện.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động triển khai dự án năm 2024, Kế hoạch thực hiện năm 2025 và Hội nghị Người lao động năm 2025 của SWPOC.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động triển khai dự án năm 2024, Kế hoạch thực hiện năm 2025 và Hội nghị Người lao động năm 2025 của SWPOC.

Việc tăng cường quản lý rủi ro và tiến độ được coi là ưu tiên hàng đầu. SWPOC sẽ tập trung lập kế hoạch quản lý rủi ro chi tiết, bao gồm việc xác định những rủi ro tiềm ẩn trong từng giai đoạn dự án. Đồng thời, các công cụ và phần mềm quản lý dự án hiện đại sẽ được áp dụng nhằm theo dõi sát sao tiến độ và đưa ra điều chỉnh kịp thời khi cần thiết. Về tài chính, đơn vị tiếp tục xây dựng nguồn ngân sách hàng năm cho dự án một cách rõ ràng, đầy đủ và sát với tình hình thực hiện, tập trung quản trị chi phí nhằm tối ưu hóa quản lý nguồn vốn của dự án.

Bên cạnh đó, việc phối hợp và kết nối giữa các dự án thành phần trong chuỗi khí điện Lô B là giải pháp mang tính chiến lược. Như chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024, SWPOC cũng như các đơn vị trong chuỗi dự án cần tiếp tục phát huy tính liên kết, nhìn nhận toàn bộ chuỗi dự án trong hệ sinh thái ngành Dầu khí như một khối thống nhất nhằm phát huy tối đa giá trị, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Trên tinh thần đó, SWPOC sẽ tăng cường phối hợp và kết nối giữa các dự án thượng nguồn và hạ nguồn, xác định và cùng các bên giải quyết kịp thời các vấn đề giao diện giữa các dự án để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của toàn bộ chuỗi dự án.

Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đang bước vào giai đoạn quan trọng, với nhiều hạng mục cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Mặc dù còn không ít khó khăn, việc tập trung triển khai đúng kế hoạch và quản lý chặt chẽ từng giai đoạn sẽ giúp SWPOC tiến gần hơn đến mục tiêu đưa dự án về đích đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng đã đặt ra.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-an-duong-ong-dan-khi-lo-b-o-mon-va-nhung-buoc-tien-quan-trong-722779.html