Dự án đường song hành Vành đai 4 qua Hưng Yên đang thi công ra sao?
Dù giai đoạn đầu thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các kỹ sư công nhân thi công Dự án đường song hành Vành đai 4 qua Hưng Yên vẫn nỗ lực, bằng các biện pháp khác nhau để tạo khí thế thi đua lao động trên công trường ngay từ đầu năm.
Làm thông không nghỉ lễ
Ngày 25/2 vừa là ngày Rằm tháng Giêng, cũng đúng vào ngày cuối tuần, nhưng công trường đường song hành Vành đai 4 vẫn không ngơi tiếng máy. Từng tốp thợ, người thì điều khiển máy san, máy lu san cát ép nền, người thì đào hố móng chuẩn bị dựng trạm điện, trạm trộn. Nơi thì đang tất bật chặt cây, phá nhà để làm đường tiếp cận thi công cầu.
Đang vận chuyển cọc tre về hố móng, công nhân Phạm Hữu Sỹ, công nhân Công ty CP LIZEN cho biết: Chúng em bắt đầu quay lại công trường làm việc từ mùng 4 Tết. Anh em làm theo ca đã phân công theo kế hoạch nên hầu như không có ngày nghỉ. Hôm nay, chúng em đang vận chuyển cọc tre để ép hố móng trạm điện và khu vực lắp đặt trạm trộn bê tông. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa trạm sẽ được chuyển về, vậy nên anh em đang làm gấp cho kịp.
Cách vị trí thi công này chừng 100m là khu nhà Ban điều hành dự án và cũng là nơi ở của các cán bộ kỹ sư, công nhân. Nhìn quanh, khu nhà trông khang trang như một điểm nghỉ dưỡng - Home stay: có cổng chào, sân vườn, nhà để xe, hàng rào bao quanh; Phòng làm việc của các cán bộ ban điều hành, phòng ăn tập thể, phòng ngủ, nhà bếp nhà tắm... dù chỉ là nhà lắp ghép nhưng phòng nào phòng đấy sạch sẽ, thơm tho, với đầy đủ các tiện nghi như: điều hòa, quạt, tivi, máy tính.
Nhìn ánh mắt lạ lẫm của chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Hữu Thống, Giám đốc Ban điều hành dự án của nhà thầu LIZEN cho biết: "Không phải công trình này mà công trình nào cũng vậy. Lãnh đạo LIZEN đều đặt nơi ăn, chốn nghỉ, sức khỏe của người lao động lên hàng đầu. Việc này cũng giúp các kỹ sư công nhân làm việc hiệu quả hơn, gắn bó hơn với công ty, với dự án.
Hiện trên công trường chúng tôi đã huy động 6 mũi thi công, với hơn 50 thiết bị các loại, cùng trên 100 kỹ sư công nhân. Các mũi được phân chia gián đoạn theo phần mặt bằng đã được địa phương bàn giao. Tất cả các mũi đều đã làm đồng loạt từ mùng 4 Tết. Dự án này dù mới triển khai được 2 tháng, nhưng được Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm và kỳ vọng sẽ về đích sớm. Chính vì vậy lãnh đạo công ty yêu cầu tất cả anh em phải làm việc với tinh thần quyết tâm cao và phải rút ngắn tiến độ dự án".
"100% anh em bây giờ đều đã ký cam kết làm không nghỉ lễ. Thậm chí, giai đoạn này dù mới là giai đoạn đầu của dự án nhưng hầu như ngày nào anh em cũng tăng ca tới 21h mới nghỉ", kỹ sư Thống cho hay.
Từng bước tháo gỡ khó khăn để rút ngắn tiến độ
Dự án đường song hành thuộc gói thầu số 1, dự án thành phần 2.2 Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường có chiều dài 17,7km, thiết kế mỗi bên 2 làn xe với tổng mức đầu tư lên đến 1.504,6 tỷ đồng (trích từ ngân sách địa phương).
Dự án được giao cho Sở GTVT tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu thi công dự án là Công ty CP LIZEN - một doanh nghiệp chuyên thi công các công trình đường cao tốc trong nước.
Dự án được khởi công ngày 22/11/2023, dự kiến hoàn thành vào 29/8/2026 (thời gian thi công 34 tháng).
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nông nghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư đạt khoảng 85%.
Kỹ sư Thống cho biết, hiện đơn vị đã tiếp nhận hơn 9km mặt bằng sạch theo chiều dài tuyến. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn bị ngắt quãng do vướng mặt bằng. Đoạn đường có thể thi công liên tục dài nhất là đoạn qua xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) với chiều dài hơn 2km. Tuyến có 5 cầu, thì 4 cầu chưa thi công được vì chưa có mặt bằng. Riêng cầu Sông Đồng Quê (qua xã Mễ Sở) đơn vị đang làm đường tiếp cận để thi công trụ cầu. Hầu hết các đoạn vướng hiện nay đều tập trung vào đất ở, nghĩa trang phải chờ xây dựng các khu tái định cư. Các địa phương dự kiến nhanh nhất đến Quý II/2024 mới có thể bàn giao tiếp mặt bằng.
Khó khăn thứ 2 đơn vị gặp phải là vấn đề vật liệu. Dự án cần khoảng 200.000m3 đất đắp, nhưng địa bàn tỉnh Hưng Yên không có mỏ đất; các tỉnh lân cận thì không cho đưa ra ngoài. Hiện LIZEN vừa tiếp cận nắm bắt thông tin các mỏ sắp được cấp phép để mua đất, đồng thời kiến nghị chủ đầu tư cho thay đổi thiết kế chuyển từ đắp đất sang đắp cát. Cách này, giá thành có tăng nhưng không đáng kể. Quan trọng hơn là sẽ giải quyết ngay được vấn đề khó khăn hiện nay.
"Nếu vấn đề đất đắp được giải quyết, cộng với các địa phương bàn giao mặt bằng đúng cam kết (trước 30/6/2025) thì LIZEN cam kết sẽ rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình về đích sớm ít nhất là 6 tháng", kỹ sư Thống khẳng định.