Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng
Với tinh thần 'vượt nắng, thắng mưa', các nhà thầu thi công đường song hành (đường đô thị) dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô qua địa phận Hà Nội đã tập trung nhân lực, phương tiện, thi công không có ngày nghỉ trên các công trường, quyết tâm hoàn thành vượt mức tiến độ 6 tháng.
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số vị trí còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhà thầu phải thi công cầm chừng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km. Tại gói thầu số 8, xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 đến Km13+017,92, sau những ngày mưa, liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Thịnh Vượng TVT - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thái Yên đang tận dụng tối đa thời tiết nắng đẹp để triển khai thi công trở lại.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu tổ chức 10 mũi thi công, tự bỏ kinh phí làm đường công vụ để thi công đường và sử dụng máy khoan xoay là công nghệ tiên tiến thay cho công nghệ cối giã để thi công ba cây cầu Cà Lồ, đường sắt và thôn Hậu. Đến thời điểm này, các nhà thầu đã hoàn thành gần 32% khối lượng thi công, đảm bảo tiến độ so với kế hoạch. Hình hài đoạn đầu Vành đai 4 nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã dần hình thành.
“Phần khó nhất liên quan đến xử lý nền đường đã xong, giờ chủ yếu còn một số công trình tuy nen kỹ thuật, nền móng mặt đường, nếu tháo gỡ được vướng mắc mặt bằng, nhà thầu có thể tự tin hoàn thành gói thầu đúng tiến độ”, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng kỹ thuật Ban điều hành thi công đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay gói thầu số 8 vẫn còn một phần mặt bằng chưa được bàn giao chủ yếu liên quan đến khu dân cư, hệ thống điện cao thế, công trình hạ tầng chưa được di dời dẫn đến một số hạng mục bị chậm tiến độ.
Cụ thể, tại khu vực thi công cầu vượt đường sắt có 01 đường điện cao thế chạy ngang nên nhà thầu không thể triển khai thi công bên dưới được. Ngoài ra, nguồn vật liệu đất đắp K98 khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện Chủ đầu tư, UBND thành phố đã và đang làm việc với các tỉnh, thành phố để tăng nguồn cung cấp vật liệu cho dự án.
Tại gói thầu số 10, xây dựng đoạn tuyến từ Km36+166,74 đến Km48+314,71 dài khoảng 12 km đi qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, do Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH tập đoàn CASPI - Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH một thành viên - Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa đảm nhiệm.
Đây là gói thầu có tiến độ hiện còn đang chậm hơn so với các gói thầu khác, do nhiều diện tích mặt bằng chưa được bàn giao, ngoài ra nhiều phạm vi cần xử lý nền đất yếu chưa được bàn giao nên khó khăn trong triển khai thi công của nhà thầu.
“Quận Hà Đông mới bàn giao được gần 85% diện tích mặt bằng. Phần mặt bằng còn lại chưa có kế hoạch bàn giao tiếp, hơn 6 tháng nay nhà thầu phải chờ mặt bằng, việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” rất khó khăn cho nhà thầu để triển khai thi công liền mạch”, ông Đoàn Viết Thắng, Chỉ huy trưởng công trường, Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng chia sẻ.
Ông Đoàn Viết Thắng cho biết thêm, nhiều phần diện tích đất ở của huyện Thanh Oai và quận Hà Đông thuộc diện tích giải phóng mặt bằng của gói thầu số 10 chưa bàn giao cho nhà thầu, ngoài ra công tác di chuyển công trình ngầm, nổi đường điện trung, hạ thế, nước sạch, thông tin… chưa được di chuyển kịp thời nên gây khó khăn trong thi công của nhà thầu.
Thêm vào đó thời tiết khắc nghiệt, nguồn vật liệu đất đắp hạn chế dẫn đến tiến độ dự án bị chậm so với yêu cầu. “Nếu có mặt bằng thuận lợi nhà thầu sẽ tăng cường nhân lực, tăng ca đáp ứng tiến độ của dự án”, ông Đoàn Viết Thắng khẳng định.
Tại gói thầu số 11 xây dựng đoạn tuyến từ Km48+314,71 đến Km58+200 do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - Công ty Cổ phần Sông Hồng đảm nhiệm thi công. Để hoàn thành tất cả các gói thầu theo đúng tiến độ thành phố giao cuối tháng 9/2025, các nhà thầu đã tập trung máy móc, nhân lực thi công “3 ca, bốn kíp” thi công ngày đêm để rút ngắn tiến độ theo yêu cầu.
"Việc xử lý đất yếu của gói thầu số 11 rất nhiều, chiếm 70% khối lượng gói thầu. Hiện tại các nhà thầu đang tập trung đào đắp nền, xử lý đất yếu cố gắng đến 30/6 này sẽ hoàn thành thi công xử lý đất yếu đắp gia tải, sau đó chờ gia tải rất lâu, từ 6 – 9 tháng”, ông Lưu Hải Đăng, tư vấn giám sát gói thầu số 11 – Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Coninco cho biết.
Ông Phạm Văn Thiều, cán bộ Công ty cổ phần sông Hồng cho biết thêm, đảm nhiệm thi công 5 km đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Thường Tín, khó khăn nhất của nhà thầu hiện nay là đường dây điện chưa được di dời như kế hoạch khiến đơn vị không thể thi công được dưới những vị trí này, ảnh hưởng lớn đến tiến độ gói thầu.
Là đơn vị đảm nhiệm gói thầu số 9, xây dựng đoạn tuyến từ Km13+017,92 đến Km36+166,74 là gói thầu lớn nhất của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đặt mục tiêu hoàn thành gói thầu trước 6 tháng, tức vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 nhà thầu Vinaconex, điều này phụ thuộc lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, công trình hạ tầng, điện, nước, cáp viễn thông trên toàn tuyến chưa được di dời nên tại những vị trí này nhà thầu phải tạm dừng thi công. Đặc biệt, tại một số vị trí, đường ống nước, đường điện nằm trực tiếp trên hạng mục công trình như cầu, cống, nên cũng phải tạm dừng thi công.
Bên cạnh giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu cũng là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu. Hiện nay, hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức đã bàn giao được 97% tổng diện tích mặt bằng; trong đó, đã bàn giao 100% diện tích đất nông nghiệp, còn vướng diện tích mặt bằng “xôi đỗ” ở 9 vị trí trên tuyến, chiếm khoảng 2,7 km chưa thi công được, chủ yếu là đất ở của người dân, khu mồ mả, đất của doanh nghiệp.
Đối với xử lý nền đất yếu, nhà thầu đang đắp gia tải, dự kiến ngày 30/6/2024, nhà thầu Vinaconex hoàn thành đắp gia tải, sau đó chờ lún từ 6 – 9 tháng nếu đảm bảo mới thi công tiếp.
“Nhà thầu đã chủ động nguồn nguyên vật liệu, tập trung đầy đủ thiết bị, nhân lực và tài chính để việc thi công không bị gián đoạn, tập trung thi công “ba ca, bốn kíp” đảm bảo yêu cầu tiến độ”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là chủ đầu tư di dời các đường điện cao thế, Ban Quản lý dự án đang tập trung chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng.
UBND quận, huyện làm chủ đầu tư di dời công trình điện trung, hạ thế, đường cáp viễn thông, cấp nước, hiện nay các chủ đầu tư đang đôn đốc các nhà thầu thi công khẩn trương thực hiện di chuyển đối với các hạng mục đã lựa chọn nhà thầu thi công di chuyển, đồng thời đang tập trung đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu thi công công trình ngầm nổi cần phải di dời đối với các hạng mục còn lại.
Về di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng do UBND các quận, huyện thực hiện thì UBND huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh đã khởi công hạng mục di chuyển, các địa phương còn lại đang khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu triển khai thi công di chuyển, di chuyển công trình ngầm nổi bị chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công dự án thành phần 2.1.
Theo ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, việc triển khai dự án thành phần 2.1 gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong quá trình thực hiện hệ thống Pháp luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình, đấu thầu, đất đai... có thay đổi, điều chỉnh và bổ sung.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi công cần phải điều chỉnh, bổ sung nhiều hạng mục công trình để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với thiết kế của dự án thành phần 3 đã phê duyệt, các dự án và kiến nghị của các chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, việc khan hiếm nguồn vật liệu rời đắp thông thường (cát, đất) hợp pháp và giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu biến động liên tục theo chiều hướng tăng dần. Đối với các mỏ cát (hiện dự án có 02 mỏ) đang được khai thác phục vụ thi công dự án theo cơ chế đặc thù thì chỉ được khai thác từ ngày 01/11 năm trước đến ngày 15/5 năm sau (không được khai thác trong thời gian mưa, lũ) nên tiếp tục làm hạn chế nguồn cung cấp vật liệu cát đắp cho dự án.
Hiện tại, Ban Quản lý dự án mới nhận mặt bằng để giao cho nhà thầu thi công từ các quận, huyện chủ yếu là phần đất nông nghiệp, đất công. Mặt khác, trong quá trình thực hiện cần phải thu hồi đất bổ sung và điều chỉnh chỉ giới đường đỏ cho phù hợp với thiết kế dự án thành phần 3. Trong 2 tháng vừa qua, thời tiết có diễn biến bất thường và có hiện tượng mưa nhiều nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công các công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là việc thi công nền đường và xử lý nền đất yếu. Tất cả những điểu này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, khởi công tháng 6/2023, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027. Việc hoàn thiện Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô; trong đó có các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.