Dự án gang thép 'khủng' ở biển Bình Định: Sự cố Formosa là bài học
Phần đông người dân Lộ Diệu đã bày tỏ sự chưa đồng thuận việc triển khai dự án tại địa phương, qua đó đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định xem xét lại.
Ngày 30/5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức thông tin chủ trương về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Tham dự có đông đảo người dân nơi đây.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay, đây là buổi thông tin dự án để người dân được biết về dự định triển khai và các chính sách hỗ trợ, bồi thường. Ngoài ra, cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh Bình Định lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Theo ông Tuấn, Bình Định muốn phát triển cần phải có dự án lớn để dẫn dắt, để phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đầu tàu phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể và phù hợp hoạch vùng theo Nghị quyết 26 của Trung ương. Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án đầu tàu dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định.
Tại buổi thông tin, ông Tuấn nêu lại quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Hiện nay, dự án mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu để lập dự án đầu tư. Sau khi lập dự án đầu tư xong mới tổng hợp các nội dung để trình tỉnh phê duyệt. Nếu tỉnh Bình Định đồng ý thì mới trình ra Trung ương, các bộ ngành phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhắc lại nguyên tắc để dự án được tỉnh thông qua trước khi triển khai đầu tư đó là: Công nghệ phải tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án khi tái định cư phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định và lâu dài hơn; không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tự nhiên đã được công nhận ở trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn cho biết, qua lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân thì tỉnh cũng thêm một nội dung nguyên tắc nữa đó là địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị của thôn sẽ được giữ như hiện nay.
“Nếu các điều kiện trên không được đảm bảo thì chắn chắn dự án này tỉnh sẽ không thông qua”, ông Tuấn nói đồng thời cho biết, sau buổi thông tin về dự án, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư tổ chức cho người dân đi tham quan tại các khu vực có dự án tương tự, trong đó có dự án Formosa ở Hà Tĩnh. Khi về người dân sẽ tiếp tục có ý kiến đóng góp với cơ quan Nhà nước và tỉnh sẽ tiếp thu để điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng của người dân và quy định của pháp luật.
Tại buổi công bố thông tin, một số bà con thôn Lộ Diêu bày tỏ những băn khoăn, tâm tư khi nơi đây đã gắn bó với họ từ lâu đời, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Người dân nơi đây có nhiều đóng góp, hi sinh cho vùng đất này. Trong đó, phần đông người dân Lộ Diệu đã bày tỏ sự chưa đồng thuận việc triển khai dự án tại địa phương, qua đó đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định xem xét lại.
Theo ông Trần Văn Nghĩa - một thương binh, cựu chiến binh, Lộ Diêu là cái nôi cách mạng, tên gọi của địa phương cũng cũng gắn với nhiều thế hệ người dân nơi đây, việc đưa nhà máy gang thép về và di dời toàn người dân đi một nơi khác sẽ làm mất đi ý nghĩa của cái tên Lộ Diêu. Ông cũng bày tỏ sự không đồng thuận việc di dời để triển khai dự dự án.
Ông Hồ Đức Minh (58 tuổi) yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần xem xét lại cho kỹ và lấy ý kiến trong toàn thể người dân.
“Tại sao chúng ta không làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hay du lịch giáo dục để phát huy để giáo dục cho thế hệ sau bởi chiến tích của thôn Lộ Diêu”, ông Minh nêu ý kiến.
Tại buổi công bố thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ, sự cố Formosa là một bài học kinh nghiệm mà đất của nước chúng ta đã rút ra. Ngay sau đó đã có luật bảo vệ môi trường với một quy trình hết sức chặt chẽ.
Ông Dũng cho hay, hiện nay trên đất nước ta có nhiều nhà máy thép. Tỉnh Bình Định đã từng di dời nhiều khu vực dân cư để triển khai các dự án kinh tế. Theo ông Dũng, dự án trước khi đưa ra dân, tỉnh cũng đã họp rất nhiều lần. Hiện nay dự án chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Việc triển khai sẽ được cân nhắc kỹ, không làm một việc gì có hại cho người dân, chỉ có làm cho cuộc sống người dân tốt hơn.
“Trong mỗi việc làm chúng tôi đều trăn trở, suy nghĩ hướng gì để có lợi cho người dân chứ không có người lãnh đạo nào suy nghĩ để đẩy người dân mình đến một nơi khó khăn”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói.
Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định cho hay, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn là phù hợp với phương hướng, mục tiêu và định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Nhà đầu tư của dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn là Công ty Cổ phần gang thép Long Sơn. Tổng diện tích thực hiện 2 dự án chiếm 39,06% so với diện tích đất ở thôn Lộ Diêu. Diện tích dự kiến thu hồi khoảng 491ha. Các di tích lịch sử, các bãi đá, gành tự nhiên, rừng nguyên sinh... không thuộc phạm vi dự án.
Khu liên hợp gang thép Long Sơn có công suất 5,4 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 56.257 tỷ đồng. Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn có công suất 35 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 10.500 tỷ đồng.