Dự án Happy Việt Nam: Gần 4.000 trẻ em được kiểm tra sức khỏe và tầm soát suy dinh dưỡng
Dự án Happy Việt Nam nhằm góp phần giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi ở Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn để nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ giáo viên nhà trường, nhân viên y tế, phụ huynh và trẻ em.
Dự án Happy Việt Nam được thực hiện từ tháng 7/2020 đến 7/2023, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em.
Dự án do Tổ chức ASSIST thực hiện với sự đồng hành của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) cùng Merck tại Việt Nam; Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG).
Sau 3 năm triển khai tại 7 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, SDD cao như: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dự án Happy Việt Nam đã kết thúc vào hôm qua, 30/7 với những kết quả đáng ghi nhận:
Hướng dẫn nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai
200 nhân viên y tế được đào tạo về phát hiện, chẩn đoán và phòng ngừa thấp còi, SDD ở trẻ em
3.600 phụ huynh được đào tạo kiến thức về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ; cách đảm bảo dinh dưỡng cũng như quan tâm đúng cách, đúng lúc nhằm đầy lùi nguy cơ trẻ thấp còi, SDD.
1.300 giáo viên mẫu giáo, tiểu học được đào tạo kiến thức về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ; thực hành đảm bảo sức khỏe thể chất cho học sinh.
3.600 trẻ em từ các tỉnh, thành thuộc phạm vi dự án được tiến hành khám tầm soát và kiểm tra sức khỏe.
Khám tầm soát trẻ chậm tăng trưởng chiều cao ở Hà Giang
Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ thấp còi ở mức cao trong khu vực. Theo một thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, tỉ lệ trẻ SDD thể thấp còi dưới 5 tuổi là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị SDD thấp còi.
Báo cáo của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho thấy sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn.
Hậu quả của tình trạng thấp còi đã dẫn đến khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng cho trẻ tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông
Ông Cao Hồng Kỳ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hà Giang - chia sẻ: Đây là dự án thành công nhất ở Hà Giang mà Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đã phối hợp các tổ chức NGO trong nước và quốc tế tài trợ cho tỉnh. Thông qua dự án này có hơn 105 giáo viên, 400 phụ huynh, cũng như 400 trẻ - học sinh thuộc trường mầm non và trường tiểu học của hai xã thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang đã được khám tầm soát và đã được kiểm tra sức khỏe.
Dự án Happy Việt là dự án mẫu giúp nâng cao tầm vóc Việt nhằm tiếp tục giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung; và góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về dinh dưỡng mà đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hướng dẫn cách đảm bảo dinh dưỡng, nhằm đầy lùi nguy cơ trẻ thấp còi, SDD.
ThS. BS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Khoa Dinh dưỡng CDC tỉnh Gia Lai - chia sẻ: Các hoạt động của dự án Happy Việt Nam triển khai ở địa phương rất phù hợp, thiết thực góp phần giúp cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh có được kiến thức hiểu biết về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, nhận biết sớm tình trạng SDD thấp còi để có hướng điều trị đúng cách, góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao tầm vóc.
Trẻ được khám sàng lọc tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng tại điểm khám P. Hiệp Bình Phước - TP. Thủ Đức
Đại diện một địa bàn được hưởng thụ dự án Happy Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM - bày tỏ: Dự án Happy Việt Nam đã trang bị cho học sinh, phụ huynh và cả các cô giáo bậc tiểu học những kiến thức cần thiết về suy dinh dưỡng thấp còi, để sớm có biện pháp can thiệp, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu trong thời gian sớm nhất. Không chỉ dừng ở đó, những kiến thức này sẽ được các phụ huynh, đặc biệt là các thầy cô giáo truyền đạt lại cho nhiều người khác cùng nắm và áp dụng.