Dự án 'Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2': Giúp người dân thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng

Sau những tín hiệu tích cực từ những đợt truyền thông trước đây về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Quản lí (BQL) Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 tiếp tục tổ chức nhiều đợt truyền thông với nhiều nội dung sinh động, phong phú gắn liền với thực tiễn, trong đó đáng chú ý đó là tổ chức nhiều đợt truyền thông về tận thôn, bản để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhiều thông tin hữu ích, tham gia bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế thiên tai, ổn định đời sống.

 Tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt hơn việc bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ứng phó với thiên tai

Tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt hơn việc bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ứng phó với thiên tai

Nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, REDD+, Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, BQL Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 đã tổ chức 2 đợt truyền thông trong năm 2019 trong khoảng thời gian khá dài, trong đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 6/5-31/5 và đợt 2 diễn ra từ ngày 25/6-18/7 cho hơn 900 cán bộ và nhân dân tại 33 xã ưu tiên thực hiện REDD+ thuộc các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh và Gio Linh. Anh Đặng Sỹ Đức, cán bộ truyền thông BQL Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 cho biết, tuyên truyền về Biến đổi khí hậu, REDD+, Chương trình giảm phát thải, Quản lí bảo vệ rừng và phát triển rừng là một trong những hợp phần quan trọng của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2”. Các đợt tuyên truyền tập trung vào các nội dung chính như: Giới thiệu về REDD+, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon từ rừng, quản lí rừng bền vững; giới thiệu về Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) và các hoạt động của dự án tại tỉnh Quảng Trị; giới thiệu Chương trình giảm phát vùng Bắc Trung bộ; tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và ngay tại địa phương, nguyên nhân, hậu quả của biến đổi khí hậu tác động tới kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

2 đợt tổ chức truyền thông lần này có một số điểm khác so với những lần trước đó. Nổi bật là tổ chức truyền thông sâu hơn ở cơ sở, ngay tại hội trường thôn, bản. Sự thay đổi này nhằm mục tiêu mở rộng đối tượng để phổ biến nội dung tuyên truyền; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, tiếp cận thông tin khoa học gắn với tình hình thực tế ở địa phương… Thông qua các hội nghị truyền thông do dự án tổ chức, người tham dự đã hiểu rõ hơn về REDD+, một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon từ rừng, quản lí rừng bền vững; đồng thời cũng có thêm cơ hội thảo luận, trao đổi nhằm hiểu rõ hơn về nội dung hoạt động của dự án FCPF-2, Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ... Đại diện lãnh đạo các xã, thôn và người dân tham gia đã đưa ra các ý kiến, quan điểm nhằm hiểu sâu hơn về biến đổi khí hậu, REDD+, đồng thời thống nhất tuyên truyền rộng rãi tới người dân trong xã, thôn để họ hiểu và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế thiên tai, ổn định đời sống.

2 đợt truyền thông được tổ chức trên địa bàn 33 xã ưu tiên thực hiện REDD+ được tổ chức thành công đã đạt được mục tiêu của dự án đề ra. Đó là tổ chức ngay tại cơ sở, gần sát với thực tế cuộc sống người dân ở gần rừng; UBND xã, các thôn đã làm tốt công tác phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt về mọi mặt cho cán bộ dự án hoàn thành nhiệm vụ truyền thông cho cán bộ, nhân dân địa phương… Trong quá trình tổ chức truyền thông, luôn nhận được sự tham gia tích cực của các đại biểu, lãnh đạo xã, thôn và người dân; đồng thời cam kết sẽ mang những kiến thức, thông tin có được từ cán bộ của dự án tuyên truyền cho những người dân khác để cùng nhau thực hiện tốt hơn việc bảo vệ, phát triển rừng, có những động thái tích cực trong bảo vệ môi trường sống, chủ động ứng phó với thiên tai…

Anh Đặng Sỹ Đức cho biết thêm: “Sau khi kết thúc các đợt truyền thông, chúng tôi thường xuyên liên lạc với các lãnh đạo các địa phương để nắm bắt lại thông tin về những chuyển biến của cán bộ, nhân dân. Chúng tôi rất vui mừng khi nghe nhiều thông tin phản hồi tích cực từ các địa phương như nhiều địa phương tổ chức lồng ghép các nội dung tuyên truyền của REDD+ vào các hội nghị cấp xã, cuộc họp thôn; đem thêm các tài liệu mà cán bộ dự án cung cấp cho người dân chưa được tham gia các buổi truyền thông của dự án và phổ biến lại những nội dung tại các đợt truyên truyền cho người dân dễ hiểu để cùng thực hiện bảo vệ, phát triển rừng… Về phía dự án, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về nhiều mặt. Các địa phương nếu cần cán bộ truyền thông, tài liệu dự án… cho các đợt tuyên truyền cho người dân thì chúng tôi sẽ bố trí người, hỗ trợ tài liệu kịp thời. Đồng thời cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để cán bộ dự án tổ chức cho các đợt truyền thông tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn về mặt nội dung, tính thiết thực và đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó chú trọng việc tổ chức các đợt truyền thông đến gần hơn với người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, để tất cả cùng được tiếp cận, hiểu hõ hơn về mục tiêu của dự án, từ đó cùng chung tay hành động trong việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế tác hại từ thiên tai, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141894