Dự án hỗ trợ người dân chăn nuôi bò vàng ở Hướng Hóa: Bò giống gầy yếu, không tuân thủ quy trình phòng dịch
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo 'Chăn nuôi bò vàng sinh sản' được triển khai thực hiện ở các xã Húc, Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa với 38 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi. Song, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, còn có những điều 'khó hiểu' trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Dự án mang nhiều kỳ vọng
Ngày 30/10/2023, UBND huyện Hướng Hóa có Quyết định số 3456/QĐ/UBND và số 3457/QĐ/UBND về việc phê duyệt Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng sinh sản” (Dự án chăn nuôi bò vàng) tại thôn Cu Dông, xã Húc; thôn Ta Xía, thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc.
Các dự án này thuộc Dự án II Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm giải quyết việc làm, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân...
Theo quyết định của UBND huyện Hướng Hóa, xã Húc có 18 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, 1 hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia dự án (hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi không được hỗ trợ bò giống). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 401 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 365 triệu đồng, người dân đối ứng 36 triệu đồng. UBND xã Húc là cơ quan quản lý thực hiện dự án.
Tại xã Hướng Lộc, có 14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số và 1 hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia dự án (hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi không được hỗ trợ bò giống). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 405 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 365 triệu đồng, người dân đối ứng 40 triệu đồng. UBND xã Hướng Lộc là cơ quan quản lý thực hiện dự án.
Cả 2 dự án này đều được tổ chức đấu thầu công khai trên mạng và Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (Công ty Tân Thành), địa chỉ xã Cam Thành, huyện Cam Lộ trúng thầu với giá dự thầu lần lượt là 315 triệu đồng (xã Húc) và 340 triệu đồng (xã Hướng Lộc).
Bò giống gầy yếu
Sáng ngày 19/3/2024, sau khi băng qua đoạn đường uốn lượn quanh co men theo đỉnh núi, sườn đồi, phóng viên có mặt tại thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc. Thôn Ra Ty có 9 hộ được nhận bò giống sinh sản theo Dự án chăn nuôi bò vàng.
Dưới gốc cây phía trước ngôi nhà sàn của ông Hồ Văn Tăng có một con bò vàng nhỏ, gầy trơ xương. Trên lưng bò xuất hiện một số cục nhỏ dưới da. Hôm chúng tôi đến, ông Tăng đi vắng. Vợ ông Tăng chỉ vào con bò nói: “con bò này gầy quá!”.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến thôn Cu Dông, xã Húc. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cu Dông Hồ Văn Chêng cho biết, trong thôn có 18 hộ nghèo được nhận bò giống. Cách nhà anh Chêng khoảng 3 km là nhà của ông Hồ Văn Binh và ông Hồ Văn Hoạt. 2 con bò vàng của 2 gia đình này được buộc dây trên bãi cỏ cạnh nhà.
Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy 2 con bò có thể trạng nhỏ và đều gầy yếu. “Sau khi nhận bò về được vài ngày, 3 hộ trong thôn đã yêu cầu đổi con khác. Trong đó, 1 con quá gầy yếu, còn 2 con còn lại thì hung dữ, húc người”, anh Chêng kể.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân đều cho rằng, nếu với số tiền khoảng 17 triệu đồng/con (trong đơn giá dự thầu) thì họ có thể mua được bò giống to khỏe hơn, đẹp hơn.
Nguồn bò giống không đúng với hồ sơ dự thầu
Trong đơn dự thầu của Công ty Tân Thành ghi rõ bò vàng giống được cung cấp từ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dụng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì số bò giống được cung cấp cho người dân 2 xã Húc và Hướng Lộc có xuất xứ từ hộ kinh doanh Đậu Thị Kim Phượng, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bà Phượng thu mua bò từ hộ kinh doanh Phùng Văn Chung, ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 20/3, phóng viên đã đến trang trại của ông Nguyễn Văn Dụng ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để xác minh. Trò chuyện với phóng viên, ông Dụng cho hay, trong năm 2023, Công ty Tân Thành có mua bò giống tại trang trại của ông 2-3 lần với khoảng 60 - 70 con. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty này không thu mua bò của ông. Như vậy, số bò giống Công ty Tân Thành cấp cho người dân 2 xã trên không đúng nguồn gốc, xuất xứ trong hồ sơ dự thầu. Điều khó hiểu ở đây là mặc dù bò giống không đúng nguồn gốc, xuất xứ như trong hồ sơ dự thầu nhưng UBND xã Húc và UBND xã Hướng Lộc vẫn ký nhận bò và bàn giao cho người dân.
Không tuân thủ quy trình phòng dịch
Qua tìm hiểu được biết, trong phần yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu có ghi rõ, trường hợp con giống nhập ngoại tỉnh vào địa phương nơi thực hiện dự án thì cần phải có giấy kiểm dịch ngoại tỉnh còn hiệu lực và phải thực hiện nuôi nhốt cách ly trên địa bàn thực hiện dự án từ 7 - 10 ngày. Sau thời gian cách ly, chủ đầu tư sẽ nghiệm thu con giống, nếu đảm bảo sẽ bàn giao cho người dân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vào sáng 16/3, 38 con bò giống được Công ty Tân Thành mua từ hộ kinh doanh Đậu Thị Kim Phượng rồi vận chuyển vào huyện Hướng Hóa.
Khi đến địa bàn huyện Hướng Hóa, các phòng, ban chuyên môn huyện, UBND các xã có mặt tại khu vực cổng B của Khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo (cũ), xã Tân Hợp để kiểm tra chất lượng bò giống. Tại đây, cán bộ thú y tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin lở mồm long móng cho đàn bò rồi sau đó nhà thầu tiếp tục chở bò vào tận các thôn để giao trực tiếp cho người dân mà không tiến hành cách ly.
Chỉ 1 ngày sau khi nhận được bò giống, con bò của hộ ông Hồ Văn Tình ở thôn Ra Ty, xã Hướng Lập bị chết. Sau đó, người dân đã xẻ thịt con bò để chia nhau và bán lấy tiền. Hôm chúng tôi đến (ngày 19/3), nhà con dâu của ông Hồ Văn Tình vẫn còn một nồi lớn thịt bò đã nấu chín. Điều đáng nói là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã không kịp thời lấy mẫu đi xét nghiệm và con bò bị chết này mới được tiêm vắc xin trước đó 1 ngày.
Ngày 22/3, khi phóng viên trở lại thôn Cu Dông, xã Húc thì một số hộ dân vừa nhận được bò giống của dự án đã thả bò tại các bãi cỏ trong vùng. Việc làm này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc tại địa phương.
Nhà thầu nói gì?
Ngày 26/3, phóng viên làm việc với Giám đốc Công ty Tân Thành Trần Thị Kiều Oanh để đưa thông tin khách quan đến bạn đọc. Phóng viên đưa ra những bức ảnh chụp bò giống có thể trạng gầy gò, ốm yếu tại thôn Ra Ty (xã Hướng Lộc), thôn Cu Dông (xã Húc) và đề cập đến chất lượng bò giống thì bà Oanh khẳng định những con bò này đều đạt chất lượng. “Hiện, vẫn còn trong thời gian bảo hành, vì thế nếu hộ dân nào có nhu cầu đổi bò giống thì chúng tôi sẵn sàng đổi cho người dân”, bà Oanh nói.
Khi được hỏi về việc không tuân thủ quy trình phòng dịch khi vận chuyển bò con giống nhập ngoại tỉnh vào địa phương nơi thực hiện dự án, cụ thể là không thực hiện nuôi nhốt cách ly đàn bò từ 7 - 10 ngày trước khi bàn giao cho người dân thì bà Oanh nói làm theo yêu cầu của chính quyền và các phòng, ban địa phương. Bà Oanh cung cấp cho phóng viên biên bản kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao giống bò vàng sinh sản thực hiện Dự án chăn nuôi bò vàng tại thôn Cu Dông, xã Húc vào chiều 16/3/2024, tại cổng B, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Trong biên bản này, đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đề nghị UBND xã hướng dẫn người nhận bò tiếp tục nuôi nhốt riêng tại chuồng để theo dõi và báo cáo khi có sự cố. Phòng Dân tộc huyện đề nghị xã theo dõi thêm 7-10 ngày.
Phóng viên chất vấn: “Trong đơn dự thầu, Công ty Tân Thành ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ bò giống là tại trang trại của ông Nguyễn Văn Dụng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch nhưng bò giống được cung cấp cho 2 xã Húc và Hướng Lộc có xuất xứ từ hộ kinh doanh Đậu Thị Kim Phượng, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tôi đã trực tiếp gặp ông Dụng để xác minh. Ông Dụng khẳng định năm 2023, bà có mua bò giống của ông Dụng. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, bà không mua bò giống từ trang trại của ông Dụng”.
Bà Oanh trả lời: “Ông Dụng chưa hỏi ý kiến của tôi nên nói vậy, chứ tôi vẫn mua bò từ trang trại của ông Dụng”. Nhưng ngay sau đó, bà Oanh lại nói ông Dụng đã có giấy ủy quyền cho bà Phượng bán bò giống cho Công ty Tân Thành. Khi phóng viên yêu cầu cung cấp giấy ủy quyền thì bà Oanh nói sẽ cung cấp sau. Và, cho đến thời điểm hiện tại, phóng viên vẫn chưa nhận được giấy ủy quyền mà bà Oanh đề cập.