Dự án Học thông qua Chơi: Chạy 'nước rút' cho các hoạt động ở giai đoạn cuối

Dự kiến đến cuối năm 2023, 'Học thông qua chơi' sẽ tiếp cận được hơn 14.695 trường tiểu học, 230.000 giáo viên, 681.000 học sinh và 1.429.000 phụ trên toàn quốc, hỗ trợ triển khai chương trình GDPT 2018 một cách hiệu quả, từ đó bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.

VVOB hợp tác cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với sự tài trợ từ Quỹ LEGO triển khai dự án “Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (iPLAY) từ năm 2019 tại 8 tỉnh, thành phố.

VVOB phối hợp cùng các trường tiểu học tại Đà Nẵng tổ chức ngày hội HTQC cho các em học sinh trong địa bàn.

VVOB phối hợp cùng các trường tiểu học tại Đà Nẵng tổ chức ngày hội HTQC cho các em học sinh trong địa bàn.

Năm 2023, dự án iPlay bước vào giai đoạn cuối. Trước đó gặt hái được nhiều thành tựu tích cực, góp phần vào việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đáp ứng các nhu cầu đổi mới trong giáo dục, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh từ bậc tiểu học.

Từ năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1, đánh dấu sự thay đổi căn bản đối với giáo dục, coi trọng sự phát triển toàn diện của người học nhằm chuẩn bị cho trẻ thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Trong bối cảnh đó, dự án “Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (iPLAY) của tổ chức VVOB với tính thiết thực cao, đã được đưa vào triển khai đúng thời điểm nhằm hỗ trợ Bộ GD&ĐT hoàn thành các mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Mục tiêu của dự án hướng tới củng cố thái độ, kiến thức và năng lực của giáo viên tiểu học trong việc áp dụng Học thông qua Chơi (HTQC) nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.

HTQC là hướng tiếp cận giáo dục góp phần vào sự phát triển toàn diện (nhận thức, xã hội, cảm xúc, sáng tạo và thể chất) của trẻ, đặt nền móng cho việc học tập suốt đời và trang bị cho trẻ kỹ năng như giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự chủ...

HTQC giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của bài học, huy động sự tham gia tích cực, cho trẻ nhiều cơ hội thử nghiệm, tăng cơ hội tương tác xã hội và tạo niềm hứng thú cho học sinh với việc học.

Cán bộ quản lý, thầy cô tỉnh Quảng Trị tham gia những buổi tập huấn, đào tạo về HTQC

Cán bộ quản lý, thầy cô tỉnh Quảng Trị tham gia những buổi tập huấn, đào tạo về HTQC

Từ cuối năm 2020, dự án iPLAY được triển khai tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP.HCM. Sau hành trình 3 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, như:

-Xuất bản “Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, Giáo viên tiểu học về HTQC”, phân phát đến tất cả các trường tiểu học, phòng GD&ĐT thuộc 8 tỉnh/thành tham gia dự án, các Sở GD&ĐT toàn quốc.

-Triển khai các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ Sở/Phòng GD&ĐT, các cấp quản lý tại trường học và giáo viên cốt cán tại 8 tỉnh/thành phố. Đồng thời, tập huấn cho các cán bộ Sở/Phòng GD&ĐT tại 55 tỉnh/thành phố về HTQC và cách hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên.

-Tổ chức 24 ngày hội HTQC tại các trường tiểu học; lồng ghép nội dung tuyên truyền và nâng cao nhận thức về HTQC vào 20.100 buổi họp phụ huynh với sự tham gia của 365.711 cha mẹ học sinh các lớp 1,2,3.

-Hoàn thành tất cả Chu trình học tập năm 2021 và 2022 với 47 chuyến thăm trực tiếp hỗ trợ chuyên môn và 24 chuyến khảo sát thu thập dữ liệu đến 24 trường học. Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức 4 hội thảo đánh giá cấp tỉnh và 3 hội thảo đánh giá tổng kết liên tỉnh.

Giáo viên Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trường Tiểu học Chiến Thắng, TP.Thái Nguyên chia sẻ, “tôi nhận thấy, việc giảng dạy trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, giáo viên kết nối dễ dàng và hiệu quả với học sinh. Các em học sinh cũng hứng thú hơn với bài học, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập có ý nghĩa, tương tác nhiều hơn với giáo viên và các bạn trong môi trường cởi mở, sáng tạo, từ đó tăng sự tự chủ”.

Học sinh trường Tiểu học Thái Nguyên được áp dụng các hoạt động HTQC ngay tại lớp.

Học sinh trường Tiểu học Thái Nguyên được áp dụng các hoạt động HTQC ngay tại lớp.

Ông Đinh Văn Phương, chuyên viên chính Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, đánh giá, “dự án iPLAY ra đời rất đúng thời điểm, góp phần hỗ trợ Chương trình GDPT 2018 thực hiện các mục tiêu đổi mới phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng VVOB để nhân rộng chương trình hơn nữa, thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến về HTQC cho giáo viên toàn quốc”.

Ông Trịnh Đình Huynh, trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Hà Giang, cho biết, “Dựa trên nền tảng bước đầu đạt được từ dự án, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn định kỳ cho giáo viên, giải đáp thắc mắc về HTQC, đồng thời đưa vào nhiệm vụ năm học, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn giáo viên của tỉnh Hà Giang, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tiểu học trên địa bàn áp dụng HTQC”.

Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc chương trình quốc gia, Tổ chức VVOB tại Việt Nam, chia sẻ, “2023 là năm cuối để triển khai dự án iPLAY, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đẩy mạnh các hoạt động tại 8 tỉnh/thành phố tham gia dự án, mở rộng phạm vi và tác động của dự án thông qua triển khai khóa học trực tuyến về HTQC cho giáo viên toàn quốc”.

Dự kiến cuối năm 2023, “Học thông qua chơi” sẽ tiếp cận được hơn 14.695 trường tiểu học, 230.000 giáo viên, 681.000 học sinh, và 1.429.000 cha mẹ trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ triển khai chương trình GDPT 2018 một cách hiệu quả, từ đó bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/du-an-hoc-thong-qua-choi-chay-nuoc-rut-cho-cac-hoat-dong-o-giai-doan-cuoi-d8088.html