Dự án kè chống ngập 315 tỷ ở Cần Thơ chậm trễ kéo dài
Dự án kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (gọi tắt là Dự án kè Cái Sơn) dài 2,8km đi qua hai quận Ninh Kiều – Bình Thủy (TP. Cần Thơ), với tổng mức đầu tư gần 315 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm khởi công, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành khiến người dân bức xúc.
Dự án kè Cái Sơn nằm trong hợp phần biến đổi khí hậu, thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) thẩm định, cân đối nguồn vốn.
Dự án do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, kinh phí gần 315 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 252 tỷ, ngân sách địa phương 62 tỷ đồng.
Dự án kè Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2,8km, từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923, phường An Bình) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).
Kè được thiết kế xây dựng kiên cố, với đỉnh kè cao 2,8m, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng rãi… nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến khó lường.
Tuyến kè được chia làm 3 giai đoạn tương ứng với 3 gói thầu. Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ cho biết, dự án khởi công xây dựng cuối năm 2019, thời gian hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án chỉ đạt 83,83%. Gói thầu số 1 và 2 tiến độ thi công chậm, đạt 66,08% và 87,40%; gói thầu 3 khối lượng hoàn thành đạt khoảng 98% (thời gian thực hiện dự án đã hết vào năm 2022).
Khối lượng công việc còn lại của 2 gói thầu (trên địa bàn quận Ninh Kiều) còn khá lớn trong khi công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư của dự án vẫn chưa thực hiện xong.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Dự án này làm ảnh hưởng đến 251 hộ dân, trong đó có 41 hộ hưởng chính sách tái định cư (dự kiến quận Ninh Kiều: 35 nền, quận Bình Thủy: 6 nền).
Quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư gặp rất nhiều khó khăn đối với phần đất cặp (giáp mé) sông, đất cặp rạch, bãi bồi ven sông, đất kênh rạch san lấp (nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ...) của người dân. Việc này gây mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư tăng 30,41 tỷ đồng so với thời điểm áp giá năm 2020, 30 nền tái định cư vẫn chưa hoàn thiện.
Đến nay, còn lại 7 hộ chưa nhận tiền đền bù do: vướng thủ tục pháp lý, thừa kế, ủy quyền, khiếu nại về diện tích đất, tranh chấp đất đai, yêu cầu bố trí tái định cư,...
Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ cho biết, do dự án đã hết thời gian thực hiện và giải ngân vào cuối năm 2022 nên đã tạm dừng thi công. Hiện đã bước sang tháng 12/2023, Chi cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP. Cần Thơ xem xét chấp thuận chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2024 để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Chi cục Thủy lợi Cần Thơ cho biết thêm, UBND TP. Cần Thơ có 3 văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 99,910 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2020 thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 sang năm 2023. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa nhận được ý kiến phản hồi từ các cơ quan Trung ương.
“Trường hợp Trung ương không chấp thuận cho phép kéo dài nguồn vốn này, Chi cục Thủy lợi sẽ khẩn trương rà soát lại nhu cầu vốn thực tế các dự án đang triển khai trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để tham mưu điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn; làm cơ sở để Sở KH&ĐT rà soát báo báo UBND, HĐND thành phố xem xét”, Chi cục Thủy lợi thông tin.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công...