Dự án khởi nghiệp có giá trị ứng dụng cao của học sinh Trường THPT Na DươngTin khácĐảm bảo an toàn tại các cơ sở lưu trúĐảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học
Trước thực trạng cây hoàng đàn Hữu Liên (HĐHL) đang trở thành loài thực vật được xếp ở mức độ nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, nhóm học sinh Trường THPT Na Dương, huyện Lộc Bình đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp 'Sản xuất, kinh doanh giống và sản phẩm từ cây HĐHL Lạng Sơn' nhằm bảo tồn, từ đó sản xuất, kinh doanh cây giống, sản phẩm từ loại cây này đem lại thu nhập kinh tế cao.
Hoàng đàn là loại cây thuộc họ thông trong tự nhiên, có dạng hình tháp. Gỗ hoàng đàn có mùi thơm, thớ thẳng, vân đẹp, không bị cong vênh, mối mọt và đặc biệt lên tuyết tự nhiên nên có giá trị cao trong việc làm đồ gia dụng, mỹ nghệ cao cấp; tinh dầu được dùng làm hương liệu, điều chế xà phòng, nước hoa, làm thuốc chữa sưng tấy, ứ huyết, sai khớp; cành và lá dùng chữa nôn, trĩ, bỏng; bột gỗ được dùng làm hương quý… Tại Lạng Sơn, hoàng đàn phân bố hẹp ở các dải núi đá vôi tại huyện Hữu Lũng, có giá trị kinh tế cao, còn ít trong tự nhiên, có nguy cơ tuyệt chủng. Được biết hiện nay, chỉ có khoảng 700 cây HĐHL đang sinh sống tại khuôn viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, một số trường học, hộ dân.
Em Vy Thu Trang, thành viên nhóm kinh doanh dự án “Sản xuất, kinh doanh giống và các sản phẩm từ cây HĐHL Lạng Sơn” cho biết: Với mong muốn bảo tồn, phát triển HĐHL, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, từ giữa năm 2019, chúng em đã có ý tưởng sản xuất, kinh doanh giống và các sản phẩm từ cây HĐHL. Sau khi có ý tưởng, chúng em đã đến tận xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng để tìm hiểu sâu hơn về cây HĐHL, đến đầu năm 2020, chúng em đã thực hiện dự án kinh doanh của mình.
Khi triển khai dự án, nhóm kinh doanh gồm: em Vy Thu Trang và Trần Khương Duy, lớp 12A7, Trường THPT Na Dương đã nhận được sự hướng dẫn của cô Nông Thị Nguyệt, giáo viên nhà trường. Trong quá trình triển khai, nhóm đã tiến hành tuyển chọn cây mẹ đủ tiêu chuẩn từ nguồn cây giống vốn có của gia đình em Trang. Từ năm 2020 và 2021, vào khoảng tháng 10 và tháng 11 trong các năm, khi quả chín, nhóm đã lựa chọn quả chất lượng, tách lấy hạt, xử lý qua các khâu rồi đưa vào gieo ươm.
Cô Nông Thị Nguyệt cho biết: Trong quá trình thực hiện dự án, do đặc tính của cây hoàng đàn là cây đơn tính, có nón đực nón cái riêng, thời gian phát triển không giống nhau nên khả năng thụ phấn kém, đa phần tạo ra hạt không có phôi. Cây HĐHL thường cho ra rất nhiều quả và hạt nhưng hạt nếu không gặp điều kiện thuận lợi về cả thời gian, độ ẩm, ánh sáng… thì sẽ rất khó để nảy mầm và cây con khó sinh sống. Nhiều khi chúng tôi tiến hành gieo khoảng 100 hạt thì chỉ có 3 hoặc 4 hạt nảy mầm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cây HĐHL tái sinh kém ngoài tự nhiên.
Từ năm 2020 đến nay, nhóm đã thực hiện gieo trên 20 lần (khoảng 100 hạt/lần). Sau nhiều lần nghiên cứu, nỗ lực gieo ươm cây giống, nhóm triển khai dự án đã thành công trong việc nhân giống cây HĐHL bằng hạt. Hiện tại, nhóm bán ra thị trường cây giống 2 năm tuổi với giá 250.000 đồng/cây. Từ thành công này, nhóm đã lên kế hoạch trong 2 năm tới sẽ phát triển vườn cây giống với quy mô 2 ha, trong đó, phấn đấu sản xuất được trên 1.000 cây giống/ha. Với quy mô sản xuất này, dự tính sẽ giải quyết việc làm cho từ 6 đến 8 lao động địa phương ở thời điểm mùa vụ.
Vừa qua, nhóm kinh doanh đã đem dự án này dự thi tại Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên năm 2021 tỉnh Lạng Sơn. Với ý nghĩa và giá trị thiết thực mang lại, dự án đã đạt giải nhất và được ban tổ chức lựa chọn là dự án đại diện cho Lạng Sơn tham dự Ngày hội khởi nghiệp cấp quốc gia của học sinh, sinh viên.
Bà Đường Thị Thu Lan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban giám khảo Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên năm 2021 cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao và khả năng thành công trong thực tế của dự án khởi nghiệp “Sản xuất, kinh doanh giống và các sản phẩm từ cây HĐHL Lạng Sơn”. Nhóm kinh doanh đã biết khai thác thế mạnh của gia đình, địa phương vào việc bảo tồn, phát triển cây HĐHL, nâng cao thu nhập. Nếu thành công, dự án còn có giá trị xã hội cao bởi sẽ tạo được việc làm cho người lao động địa phương. Mong rằng trong thời gian tới, dự án được triển khai thành công, đem lại giá trị kinh tế – xã hội và góp phần bảo tồn được giống cây quý của Xứ Lạng.