Dự án không thể khắc phục thì cho phá sản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước
Ngày 3-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
3 dự án hoạt động trở lại
Tham dự có Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (viết tắt là ban chỉ đạo) và một số bộ, ngành.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã nghe các thành viên ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị và tập đoàn, tổng công ty báo cáo, đề xuất các nội dung liên quan đến việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Báo cáo của các bộ, ngành cho thấy đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của ban chỉ đạo.
Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn; một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Bộ Công Thương cho biết do chưa quyết toán được hợp đồng EPC nên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề và có một số cuộc họp cụ thể xử lý công việc cũng như trách nhiệm cộng tác của các ngân hàng vì các dự án có vốn vay lớn. Hiện đã đưa 3 dự án trở lại hoạt động bình thường. Với kết quả mà ban chỉ đạo đã họp với các cơ quan liên quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trình phương án xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước ngày 10-3 để Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên cơ sở chặt chẽ, đúng pháp luật.
Xử lý dứt khoát, mạnh mẽ
Những dự án còn lại là những dự án phức tạp, đã triển khai nhiều năm, điều chỉnh tổng mức đầu tư cao so với ban đầu, thua lỗ kéo dài. Đặc biệt, các dự án liên quan đến tổng thầu EPC và yếu tố nước ngoài, liên quan đến điều tra, khởi tố khiến việc khắc phục tình trạng thua lỗ, xử lý tồn tại rất khó trong điều kiện Bộ Chính trị, Chính phủ cho ý kiến là không được sử dụng ngân sách để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Cho rằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết dứt điểm, Thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo, trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung chỉ đạo, đề xuất cụ thể hơn. Các cơ quan thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng, của trưởng ban chỉ đạo - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong đó có việc giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xếp loại và chỉ đạo hướng xử lý cụ thể đối với các dự án còn lại, bao gồm 3 dự án của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Đối với một số dự án thiếu cơ sở pháp lý, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thảo luận, đề xuất để có biện pháp xử lý cần thiết.
Trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty tính toán cơ cấu lại các dự án theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, trên tinh thần hạn chế thấp nhất tiêu cực đối với ngân sách nhà nước và nền kinh tế cũng như vấn đề hết sức quan trọng là bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cho an ninh, quốc phòng, cho môi trường và ổn định xã hội.
"Những dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước. Ban Chỉ đạo đưa ra danh mục dự án không thể khắc phục để xử lý cương quyết" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tháo gỡ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 50/2010 của Thủ tướng về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và dự thảo Nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Về dự thảo nghị định liên quan đến quy chế tài chính đối với PVN (doanh nghiệp đóng góp 83.000 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước năm 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, vị thế của ngành dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh. Do đó, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển, nhất là phát triển khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) cùng với giải quyết tốt những vấn đề ở khâu hạ nguồn (sản phẩm phân bón, điện…) để nâng cao hiệu quả của PVN trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, rà soát chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế theo đúng pháp luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về dầu khí và chế độ kế toán tài chính doanh nghiệp hiện hành, bảo đảm sự phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững của PVN. Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3-2021, tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn phát triển tốt hơn. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ các vấn đề bất cập tồn tại ở một số dự án của tập đoàn từ trước đây.
Xử lý nợ tại NH Chính sách xã hội
Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội báo cáo từ năm 2002 đến nay, tổng số nợ được xử lý rủi ro là 4.647 tỉ đồng cho 804.000 món vay.
Tuy nhiên, trong 10 năm triển khai Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NH Chính sách xã hội, xuất hiện một số rủi ro do nguyên nhân khách quan khác chưa được quy định trong quyết định này, do đó cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung.
Đánh giá việc sửa đổi quy chế xử lý nợ bị rủi ro sẽ tạo điều kiện cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và để NH Chính sách xã hội hoạt động hiệu quả, đúng hướng, Thủ tướng giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng xem xét ban hành.
Thủ tướng lưu ý rà soát những đối tượng gặp rủi ro do Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, người dân hết sức khó khăn. Bộ Tư pháp rà soát về căn cứ pháp lý, bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh tạo kẽ hở lạm dụng chính sách.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/du-an-khong-the-khac-phuc-thi-cho-pha-san-20210303220500163.htm