Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh: Chủ đầu tư bán luôn cả nền tái định cư

Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) bán luôn hàng chục nền tái định cư không đúng mục đích, khiến người dân bị thu hồi đất cho dự án trở thành vô gia cư.

Một góc Khu đô thị An Phú - An Khánh.

Một góc Khu đô thị An Phú - An Khánh.

“Hô biến” nền tái định cư trái phê duyệt

Dư luận đang xôn xao trước việc Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam “đại gia” Đinh Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDTC - một doanh nghiệp nổi tiếng với hàng loạt dự án lớn tại TP.HCM.

Nguyên nhân do sai phạm thời ông Chinh làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) liên kết với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên mảnh đất gần 6.300 m2 của Vinafood 2, rồi “phù phép” thành của tư nhân.

Ông Chinh không chỉ bị cơ quan công an điều tra hành vi trên, mà còn liên quan đến việc HDTC trước và sau khi cổ phần hóa về tay ông cũng có vấn đề ở Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (TP. Thủ Đức).

Theo thông báo Kết luận thanh tra của Cơ quan Thanh tra TP.HCM, vào tháng 8/1999, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 783/QĐ-TTg về giao đất thực hiện Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh cho HDTC (giai đoạn chưa cổ phần hóa, doanh nghiệp này 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn).

Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM thông tin, đã thay đổi biện pháp ngăn chặn sang bắt bị can để tạm giam đối với ông Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng giám đốc Vinafood 2) và ông Đinh Trường Chinh để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinafood 2.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan công an cáo buộc ông Đinh Trường Chinh (giai đoạn làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân) đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất có tổng diện tích gần 6.300 m2 tại số 33 - Nguyễn Du và 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Dự án có quy mô 131 ha, gồm 5 phân khu chức năng, có vị trí đắc địa khi nằm gần cầu Sài Gòn, cửa ngõ phía Đông TP.HCM, nơi hội tụ hàng loạt tuyến đường quan trọng liên kết vùng như đường Lương Định Của, cầu Thủ Thiêm, đại lộ Đông - Tây; hầm Thủ Thiêm…

Tại khu C của Dự án, việc bố trí nền tái định cư và hoán đổi đất nông nghiệp phải theo phương án được phê duyệt của UBND TP.HCM, nhưng trước khi cổ phần hóa, HDTC đã bán 906 nền đất và bố trí tái định cư 544 nền.

Sau khi cổ phần hóa về tay ông Đinh Trường Chinh (năm 2016, Công ty Việt Hân của ông Đinh Trường Chinh chi 1.700 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần HDTC), doanh nghiệp này tiếp tục bán 50 nền đất và bố trí tái định cư 19 nền.

Thanh tra TP.HCM cho rằng, việc mua bán trên không đúng mục đích tái định cư, không đúng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Điều này dẫn tới thiếu nền để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Chưa kể, HDTC bàn giao nền tái định cư trên đất vẫn đang quy hoạch là đất công viên cây xanh, đất xây dựng trường học tại khu D là không đúng quy hoạch được duyệt.

Chuyển điều tra vì bán đất thấp hơn giá thẩm định

Sai phạm không chỉ vậy, Thanh tra TP.HCM còn phát hiện, trước thời điểm cổ phần hóa, HDTC còn “nhanh tay” chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất bằng 9 hợp đồng, trong đó có 3 hợp đồng tiến hành thẩm định giá và 6 hợp đồng không thẩm định giá bán.

Đáng nói, trong 3 hợp đồng thẩm định giá, có hợp đồng được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra và nhận định kết quả thẩm định sai lệch theo hướng làm giảm giá trị lô đất, trong khi đó, đơn giá được HDTC chuyển nhượng thực tế còn thấp hơn đơn giá thẩm định tại Chứng thư Thẩm định giá, nên có khả năng gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước.

Trước phát hiện này, UBND TP.HCM yêu cầu Thanh tra TP.HCM chuyển hồ sơ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của HDTC sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Xẻ 1 nền biệt thự thành 2

Qua thực địa, Thanh tra TP.HCM còn phát hiện, tại căn B2, Khu biệt thự LanCaster Eden có dấu hiệu chủ đầu tư chia tách làm 2 căn trái với giấy phép xây dựng.

Mặt khác, nhiều công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã quy hoạch 1/2.000 được duyệt năm 1999, nhưng tới nay chủ đầu tư triển khai thực hiện chưa đầy đủ, còn chậm, khiến dự án ngổn ngang.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Dự án có tăng diện tích đất làm thay đổi ranh giao đất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh từ năm 2006 (Văn bản số 1382/TTg-CN ngày 16/9/2005). Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về điều chỉnh ranh giao đất và cũng chưa được cơ quan chuyên môn đo đạc, tính toán cụ thể để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Sau cổ phần thì “trở kèo”

Tại thông báo Kết luận thanh tra, UBND TP.HCM giao UBND TP. Thủ Đức chủ trì cùng với Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (nắm giữ phần vốn nhà nước) phối hợp với HDTC để có các giải pháp phù hợp xử lý dứt điểm 33/45 hợp đồng còn lại do HDTC chuyển nhượng nền đất cho các hộ dân trên cơ sở quy định pháp luật, có lý có tình, quan tâm đến lợi ích của người dân.

Vấn đề này, theo kêu cứu của người dân tới Báo Đầu tư, chính là việc HDTC sau khi cổ phần hóa đã “trở kèo” không thực hiện các hợp đồng bán nền mà công ty tiền thân đã giao kết với khách hàng từ hàng chục năm trước.

Cụ thể, theo ông Hà Văn Cun (ngụ quận 10, TP.HCM), từ hơn 20 năm trước, ông mua lại nền đất của người khác và tới năm 2003, HDTC đã đồng ý và ký với ông Hợp đồng số 406B/2003/PLHĐAPK để ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tới năm 2004, ông đã đóng đủ 100% tiền mua nền.

Sau khi HDTC cổ phần hóa về tay ông Đinh Trường Chinh, năm 2018, HDTC có biên bản đề nghị mua lại nền của ông với giá 8 tỷ đồng, nhưng ông Cun không đồng ý vì lúc đó giá thị trường lô đất khoảng 20 tỷ đồng.

Tới năm 2021, ông Cun đột ngột nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô nền 1126 từ HDTC do ông Đinh Trường Chinh ký. “HDTC đòi đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đã nộp từ 20 năm trước và lãi suất, xem như lấy mất nền đất của tôi", ông Cun bức xúc.

Tương tự, năm 2002, bà Lê Ngọc Nga (ngụ quận 3, TP.HCM) ký hợp đồng mua nền số 791 tại Dự án và đã đóng đủ tiền cho HDTC từ năm 2005.

Sau khi cổ phần hóa, HDTC gửi nhiều văn bản tới bà, khẳng định nền đất 719 hiện trạng đã đền bù giải tỏa, đã hoàn thiện hạ tầng nhưng phải chờ, chưa bàn giao vì công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp.

Đột nhiên, tới năm 2021, HDTC thông báo hợp đồng và phụ lục bà Nga ký trước đây vô hiệu do đất chưa thu hồi, đền bù giải tỏa, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Rất nhiều khách hàng tới tố cáo với chúng tôi, đều chung cảnh ngộ bị “trở kèo” như vậy.

Nhiều khách hàng bức xúc kiện HDTC ra tòa. Theo Thanh tra TP.HCM, trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng nhận được 8 đơn tố cáo liên quan đến việc chuyển nhượng nền nhà tại dự án của HDTC. Qua rà soát, 6/8 trường hợp có đơn khởi kiện và tòa án có thông báo về thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Thanh tra Thành phố còn nhận được đơn tương tự của nhiều người khác, nên có văn bản hướng dẫn gửi đơn tại cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

Không chỉ vậy, khách hàng còn kéo tới HDTC để khiếu nại, đòi lại nền nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 9/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo, trong vòng 30 ngày, cơ quan liên quan có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm 33/45 hợp đồng còn lại do HDTC chuyển nhượng nền đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, theo người dân, hết hạn 30 ngày, HDTC vẫn không thực hiện, nên họ kéo đến công ty đòi quyền lợi.

Làm việc với người dân, ông Đinh Chí Minh, Tổng giám đốc HDTC hứa trong 30 ngày sẽ xin ý kiến giải quyết, xin ý kiến của các ban ngành và gửi thư mời các hộ dân. Nhưng tới nay đã quá hạn, “thượng đế’ của HDTC vẫn phải đi kêu cứu, đi đòi nền.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-khu-do-thi-an-phu---an-khanh-chu-dau-tu-ban-luon-ca-nen-tai-dinh-cu-d205011.html