Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Tin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Kỳ 3. Đối thoại nhằm tháo gỡ nút thắt (tiếp theo và hết)

– Thắc mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ nên nhiều hộ dân chưa nhất trí bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án KĐT mới Mai Pha. Đồng thời một số hộ dân đã phản ánh, kiến nghị đến các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại cơ chế, chính sách. Trước những phản ánh của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiến hành gặp gỡ, đối thoại với công dân để tìm hướng tháo gỡ.

Đề xuất xem xét cơ chế, chính sách đặc thù

Hiện nay, trên địa bàn xã Mai Pha đang triển khai một số dự án như: dự án Trụ sở làm việc Công an tỉnh, dự án KĐT mới Mai Pha, dự án kè bờ trái sông Kỳ Cùng (địa phận xã Mai Pha)… Trong đó, dự án KĐT mới Mai Pha có diện tích đất thu hồi lớn và có tới gần 80% diện tích thu hồi là đất nông nghiệp (72,4/91,73 ha).
Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án này, UBND xã Mai Pha và UBND thành phố Lạng Sơn đã tổ chức gặp gỡ, giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của các hộ dân theo quy định; nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Đặng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Pha cho biết: Từ cuối năm 2021, UBND xã đã báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án đang triển khai trên địa bàn xã.
Trong đó, kiến nghị UBND thành phố Lạng Sơn đề xuất với tỉnh xem xét, ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB riêng cho địa bàn thành phố do có sự khác biệt về giá trị đất giữa thành phố với các huyện trong tỉnh. UBND xã cũng kiến nghị, đề xuất UBND thành phố đề nghị chủ đầu tư dự án có phương án hỗ trợ thêm cho người dân ngoài phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: UBND thành phố đã báo cáo bằng văn bản và trực tiếp báo cáo UBND tỉnh trong cuộc họp về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù trong bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh đơn giá các loại đất nông nghiệp thuộc địa bàn thành phố trong bảng giá đất theo lộ trình đến năm 2024. Trong đó, trước mắt điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp của năm 2022 có mức giá tương ứng với mức giá tối đa của khung giá đất theo quy định tại Nghị định 96/2019 của Chính phủ quy định về Khung giá đất.
UBND thành phố cũng đề xuất, kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ về đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó, đối với các loại đất nông nghiệp bị thu hồi, bao gồm: đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác tại thành phố, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ từ 3 lần lên 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại. Đối với đất rừng sản xuất, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ từ 1,5 lần lên 3 lần giá đất rừng sản xuất.

Vị trí xây dựng KĐT mới Mai Pha

Vị trí xây dựng KĐT mới Mai Pha

Mặc dù người dân cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, trong đó có loại đất trồng lúa thấp nhưng theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện giá bồi thường, hỗ trợ đối với đất trồng lúa thành phố Lạng Sơn cao hơn so với một số địa phương lân cận như: thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và bằng với thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
So sánh cụ thể: Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với đất trồng lúa thành phố Lạng Sơn (vị trí 1 khu vực I) là 420 nghìn đồng/m2 + hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Trong khi đó, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với đất trồng lúa tại thành phố Hạ Long là 228 nghìn đồng/m2 + hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; tại thành phố Bắc Giang là 240 nghìn đồng/m2 + hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; tại thành phố Cao Bằng là 420 nghìn đồng/m2 + hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
Như vậy, tổng giá trị bồi thường hỗ trợ đối với 1 m2 đất trồng lúa thành phố Lạng Sơn cao hơn thành phố Hạ Long và thành phố Bắc Giang từ 180 đến 192 nghìn đồng/m2.
Còn nếu so sánh với các huyện lân cận, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với đất trồng lúa thành phố Lạng Sơn so với các huyện giáp ranh trong tỉnh cũng cao hơn từ 129 nghìn đồng đến 193 nghìn đồng/m2.
Do vậy, nếu mức hỗ trợ của tỉnh tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh tăng theo hướng kịch khung được quy định tại Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP là 5 lần đối với loại đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm và 3 lần đối với đất rừng sản xuất tại thành phố Lạng Sơn thì tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với các loại đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn sẽ chênh lệch rất cao so với các tỉnh và các huyện lân cận.
Không những vậy, hiện thành phố Lạng Sơn đang triển khai GPMB 39 dự án, trong đó có 24 dự án diện tích thu hồi phần lớn là đất nông nghiệp với diện tích cần tính toán hỗ trợ là 243,4 ha. Tính theo đơn giá bồi thường, hỗ trợ hiện hành thì tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 234,4 ha đất nông nghiệp nói trên là gần 659 tỷ đồng (bình quân chi trả khoảng 2,71 tỷ đồng/ha).
Nếu đề xuất tăng mức hỗ trợ theo chính sách đặc thù của thành phố được thực hiện (áp dụng điều chỉnh tăng lên kịch khung quy định tại Điều 20 Nghị định 47) thì tổng số tiền bồi thường hỗ trợ đối với 243,4 ha đất nông nghiệp nói trên là 883,9 tỷ đồng, chênh lệch so với đơn giá bồi thường, hỗ trợ hiện hành là 225,1 tỷ đồng (giá trị bồi thường đối với 1 ha đất nông nghiệp sẽ là 3,63 tỷ đồng).
Trong khi điều kiện đất đai của thành phố Lạng Sơn không thuận lợi và bằng phẳng như thành phố Hạ Long và thành phố Bắc Giang thì việc chi phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp chênh lệch cao như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc thu hút đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ không mặn mà khi nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Lạng Sơn vì chi phí để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh quá lớn.

Rà soát dự án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho dân

Lãnh đạo xã Mai Pha tuyên truyền và nắm bắt tâm tư của các hộ dân bị ảnh hưởng dự án KĐT mới Mai Pha

Lãnh đạo xã Mai Pha tuyên truyền và nắm bắt tâm tư của các hộ dân bị ảnh hưởng dự án KĐT mới Mai Pha

Mặc dù cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã đã tuyên truyền, giải thích cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Mai Pha đối với những nội dung thắc mắc, đồng thời, đề xuất tỉnh xem xét cơ chế, chính sách đặc thù trong GPMB trên địa bàn thành phố, song phần lớn các hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Nhiều hộ dân đã gửi đơn đề nghị, khiếu nại đến UBND thành phố, UBND tỉnh… Đặc biệt, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã tập trung kiến nghị tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương và một số địa điểm công cộng ở Hà Nội.
Trước phản ánh của công dân, với tinh thần cầu thị, lắng nghe để giải quyết những thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Mai Pha.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu đã gặp gỡ, đối thoại với đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐT Mai Pha tại Hà Nội vào ngày 3/6 và 9/6/2022. Tiếp đó, ngày 13/6/2022, tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh Lạng Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đã gặp gỡ, đối thoại với đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này.
Trên cơ sở kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi tiếp công dân, Văn phòng Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Thông báo số 1988 -TB/VPTU, ngày 14/6/2022.
Theo đó, khẳng định Dự án xây dựng KĐT mới Mai Pha là chủ trương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020 thống nhất, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi dự án hoàn thành sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, các cơ quan Nhà nước còn có một số sai sót (thống kê đất lúa không chính xác; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn đất sân bay Mai Pha cho người dân; trình tự, thủ tục thu hồi đất chưa bảo đảm).
Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tạm dừng việc giải phóng mặt bằng, tạm dừng thực hiện dự án; đồng thời, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý liên quan đến dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách GPMB, đền bù, hỗ trợ tái định cư… theo hướng vận dụng tối đa bảo đảm có lợi cho người dân trên cơ sở quy định của pháp luật (sau khi rà soát xong, công khai cho người dân được biết).
Phải khẳng định rằng, xây dựng KĐT mới Mai Pha là chủ trương lớn của tỉnh nhằm góp phần xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn xanh, sạch, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với người dân trong vùng dự án và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhóm phóng viên chúng tôi nhận thấy rằng mong muốn đều hướng đến một mục tiêu chung là tiếp tục triển khai thực hiện dự án KĐT mới Mai Pha.
Trên thực tế, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lạng Sơn đã lắng nghe tiếng nói từ người dân và đã thực sự cầu thị. Điều này được thể hiện rõ qua việc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ, kịp thời nắm bắt, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân và chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, rà soát lại cơ chế, chính sách GPMB, đền bù, hỗ trợ tái định cư…
Do vậy, thiết nghĩ, sau khi các cơ quan rà soát, hoàn thiện bảo đảm trình tự, thủ tục để thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, Nhân dân thành phố Lạng Sơn nói chung, người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Mai Pha nói riêng cũng cần thấy rõ trách nhiệm trong việc ủng hộ chủ trương của tỉnh để dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.
Cũng cần nói thêm rằng, với xuất phát điểm là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, Lạng Sơn nói chung và thành phố Lạng Sơn nói riêng cần nguồn lực rất lớn để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Trong bối cảnh ngân sách của tỉnh có hạn thì việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư để triển khai các công trình, dự án là rất cần thiết. Và để thu hút được các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn thì tỉnh cần tạo dựng được một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, trong đó việc GPMB nhanh, tạo được mặt bằng sạch là rất quan trọng. Do đó, cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì rất cần có sự chia sẻ, góp sức của người dân để cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo sự đồng thuận vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

[Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)]

NHÓM PV KINH TẾ

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/512719-du-an-khu-do-thi-moi-mai-pha-lang-nghe-de-tao-dong-thuan-ky-3.html