Dự án khu nghỉ dưỡng 6 sao cạnh Đại nội Huế: Cần tuân thủ luật
Chiều 4-10, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã chủ trì buổi họp với đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan nhằm rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm đối với dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Nama, 85 Nguyễn Chí Diểu, TP Huế.
Rà soát theo ý kiến của bộ
Ông Trung cho biết đây là dự án nằm ở khu vực đất di tích nên việc tổ chức cuộc họp nhằm tìm giải pháp chung phù hợp với các quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3609/BVHTTDL-DVSH ngày 10-9 gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu ý kiến về dự án trên. Đồng thời, ngày 20-9, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành cũng có công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, xác nhận đến nay địa phương chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư vì đang tìm hướng giải quyết vướng mắc. "Chúng tôi mong muốn đầu tư dự án nhưng phải đúng luật, phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản" - ông Định nói thêm. Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, dự án Nama Resort được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11-2015 với tên gọi Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aman Huế, thời hạn hoạt động 30 năm. Vào ngày 21-6-2017, dự án được điều chỉnh lần đầu với thời gian hoạt động 50 năm trên diện tích 6.338 m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỉ đồng.
Khu vực triển khai dự án tiếp giáp 3 tuyến đường là Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm và nằm sát với Đại nội Huế. Khu đất này là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam và là nơi tọa lạc của Thái Y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái Y viện triều Nguyễn. Hiện nay vẫn còn thuộc khu vực bảo vệ một di tích Khâm Thiên Giám là danh sách di sản cấp I thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1993.
Phải tôn trọng yếu tố gốc
Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để xin giấy phép xây dựng. Đơn vị này cho biết hình thức kiến trúc được thiết kế theo xu hướng truyền thống, mái dốc lợp ngói, thấp tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%, chiều cao công trình từ cốt mặt đất đến đỉnh mái khoảng 9,5 m. Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thì chiều cao này tương đương các công trình kiến trúc xung quanh: Điện Long An, Di Long Đường... bảo đảm hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Kinh thành Huế và phù hợp với tính chất dự án.
Vào năm 2006, Công ty CP Du lịch Hương Giang (hiện nắm giữ trên 50% cổ phần Công ty Kinh Thành) đã đổi lấy khu đất này với mục đích xây dựng khu khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch. Vào thời điểm đó, dư luận ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản.
Về nền móng được thiết kế dự án Nama như thế nào, độ sâu bao nhiêu và thi công bằng vật liệu gì để bảo đảm khuyến cáo trên? Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đang rà soát lại hồ sơ thiết kế để phản hồi. "Chủ đầu tư phải tôn trọng các yếu tố gốc về di tích để sau khi kết thúc dự án thì chúng ta có thể tôn tạo, phục hồi lại di tích" - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa đề nghị.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết khi đó ông cũng tham gia đoàn khảo cổ với tư cách là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Ông Hải khẳng định kết quả các dấu tích phát hiện được khá mờ nhạt, không đủ để phản ánh công trình ngày xưa.