Dự án Khu tái định cư Vĩnh Thái: Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng
Được triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay, Dự án Khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư dự án) vừa kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Nhiều hộ dân không đủ tiền nộp tiền sử dụng đất
Dự án xây dựng khu TĐC tại xã Vĩnh Thái triển khai thực hiện năm 2017 với mục đích tạo quỹ đất TĐC giao cho các hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án đường D30 kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; Dự án đường Vành đai 2 kết nối nút giao thông Ngọc Hội và các dự án khác trên địa bàn TP. Nha Trang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng; quy mô diện tích hơn 8ha.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, dự án có 83 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay đã phê duyệt kinh phí bồi thường 83/83 trường hợp, đã giao trả mặt bằng 46 trường hợp; còn 37 trường hợp chưa nhận tiền và giao trả mặt bằng nên chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án, trong đó có 4 trường hợp đã có quyết định cưỡng chế của UBND TP. Nha Trang. Với 37 trường hợp chưa GPMB, có 14 trường hợp đang ở ổn định tại vị trí giải tỏa, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên khi bồi thường chuyển đến nơi ở mới, 7 trường hợp không đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất và xây dựng lại nhà tại nơi ở mới. Có những trường hợp thiếu số tiền lớn, như bà Lưu Thị Tâm, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đất, nhà, vật kiến trúc, cây trồng và hỗ trợ khác hơn 664 triệu đồng; tuy nhiên, lô đất được giao hộ bà Tâm phải nộp tiền sử dụng đất là hơn 1,1 tỷ đồng. Hiện nay, chủ trương của Nhà nước không cho nợ tiền sử dụng đất. Nếu gia đình bà Tâm nhận đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định thì không còn tiền để xây dựng lại nhà tại nơi ở mới và còn nợ Nhà nước khoản tiền hơn 445 triệu đồng (nếu không nộp tiền sử dụng đất sẽ bị xử phạt theo quy định). Các trường hợp khác như: Ông Lưu Văn Tẩu còn thiếu hơn 685,6 triệu đồng; ông Lưu Văn Tính thiếu hơn 613,8 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Bình thiếu hơn 445 triệu đồng…
Cùng với đó, có 10 trường hợp người dân có nhà, đang ở thực tế tại vị trí giải tỏa (theo xác nhận của UBND xã Vĩnh Thái) nhưng không đủ điều kiện để giao đất TĐC theo quy định của UBND tỉnh do xây dựng nhà và ở sau ngày 1-7-2014; 9 trường hợp có nhà nhưng không ở thực tế tại vị trí giải tỏa, không đủ điều kiện giao đất TĐC; 4 trường hợp đất trống, có đơn đề nghị bồi thường thỏa đáng.
Kiến nghị giải quyết các vướng mắc
Ông Nguyễn Trường Nhật Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, thời gian qua, UBND xã cùng UBMTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thực hiện công tác vận động 37 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Địa phương đang tiếp tục thực hiện công tác vận động đối với các trường hợp còn lại.
Ông Quách Thành Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để sớm hoàn thành dự án, kịp tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, mới đây, ban đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo để giải quyết vướng mắc. Cụ thể, đối với 7 trường hợp chưa đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất và xây dựng lại nhà tại nơi ở mới, ban đề xuất UBND tỉnh xem xét ý kiến của người dân về việc chênh lệch giữa đơn giá bồi thường đất và đơn giá giao đất TĐC; đồng thời xem xét việc có thể cho chủ trương được nợ tiền sử dụng đất đối với các trường hợp này.
Cùng với đó, trên cơ sở các ý kiến đề xuất, nguyện vọng của người dân, đối với 10 trường hợp có nhà và thực tế ăn ở tại vị trí giải tỏa từ trước thông báo thu hồi đất, để tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống, ban đã tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét chủ trương giải quyết bán một lô đất TĐC theo giá hệ số cao. Chủ trương này đảm bảo việc thu tiền sử dụng đất nộp ngân sách, các hộ dân có điều kiện di chuyển và ổn định cuộc sống; tuy nhiên, quá trình xác minh điều kiện phải chặt chẽ và có sự giám sát để giải quyết đúng đối tượng thực sự khó khăn về chỗ ở.
Đối với 9 trường hợp không đủ điều kiện giao đất TĐC và 4 trường hợp đất trống, UBND xã Vĩnh Thái đã tổ chức vận động, tuy nhiên không có trường hợp nào đồng ý giao mặt bằng. Vì vậy, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định cưỡng chế 1 trường hợp; ban cũng có tờ trình thành phố xin chủ trương cưỡng chế 8 trường hợp và tiếp tục trình UBND thành phố xin chủ trương cưỡng chế các trường hợp còn lại. Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Nha Trang sớm hoàn thành các thủ tục cưỡng chế để thu hồi đất.
THÁI THỊNH