Dự án làng đại học Đà Nẵng: Một nửa được giải quyết, một nửa vẫn mòn mỏi đợi chờ
Dự án treo Làng Đại học Đà Nẵng nằm trên địa bàn của cả Đà Nẵng và Quảng Nam, đã chậm triển khai hơn 20 năm. Sau nhiều năm cầu cứu các cấp ngành vì không thể thực hiện các quyền liên quan đến đất đai, đến nay, dự án lại có tình trạng là: Một nửa được giải quyết, một nửa chẳng biết chờ đợi đến bao giờ.
Đây là ngôi nhà mới của gia đình bà Phan Thị Hồng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), một trong những hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù cho dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Ngôi nhà xây dựng 2 tầng, có diện tích 100m2, khang trang, sạch đẹp. Bà Hồng năm nay đã gần 80 tuổi, hơn 26 năm sống đầy khó khăn trong vùng dự án treo, rất may dự án tái khởi động, nhà nước đền bù 5 lô đất và gia đình đã về đây sinh sống “an cư, lạc nghiệp” được hơn một năm nay.
Đây là tuyến đường Lưu Quang Vũ, khu vực nằm trong quy hoạch dự án Làng Đại học Đà Nẵng… Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hộ dân dọc tuyến đường này đã dỡ bỏ nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối để bàn giao mặt bằng cho dự án. Để tìm tiếng nói đồng thuận từ người dân trong vùng dự án, cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đã được quận Ngũ Hành Sơn vào cuộc quyết liệt, từ đó, các khó khăn, vướng mắc và cả những kiến nghị của các hộ dân trong vùng giải tỏa đã được lắng nghe và có hướng giải quyết phù hợp.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt đầu tư năm 1997, có tổng diện tích hơn 280ha, nằm trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Phần đất thuộc Đà Nẵng có diện tích 110ha, với khoảng 40ha cần giải tỏa giai đoạn 1, hiện chỉ còn 4 hồ sơ nhà đất và khoảng 600 hồ sơ mộ chưa được di dời.
Đó là bên phía vùng dự án ở Đà Nẵng, còn hàng ngàn hộ dân Quảng Nam trong vùng dự án làng đại học lại không có được niềm vui sướng như vậy khi còn quá nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Nhà có 5 người con, nhưng nhiều năm nay, gia đình bà Võ Thị Dân (ở khối phố Tứ Hà thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không thể tách thửa để chia đất làm nhà cho các con cháu. Bức xúc, chán nản là tâm trạng chung của bà cùng hàng ngàn người dân trong khu vực này.
Đây là thực trạng hạ tầng hiện nay của khối phố Tứ Câu và Câu Hà, thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Cả diện tích rộng lớn, nhưng hạ tầng chỉ là đường bê tông và chủ yếu là đường đất; mạng lưới điện tạm bợ, nhà tôn, nhà bỏ hoang nằm đan xen.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, nguyên nhân chưa giải tỏa đền bù là do chủ đầu tư vẫn chưa bố trí vốn. Trước thực trạng dự án kéo dài và nguồn vốn cần quá lớn, công tác triển khai dự án có thể khó khả thi, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị dự án cần thu hẹp diện tích.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc của Làng Đại học Đà Nẵng (phần diện tích Quảng Nam) tháng 5/2022 nêu rõ: Giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, khó khăn vướng mắc của dự án; đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, kết luận này vẫn chưa tiến triển sau 2 năm. Quảng Nam đang lúng túng, khi không thể gỡ bỏ quy hoạch treo suốt 1/4 thế kỷ do thiếu nguồn lực tài chính, cơ chế, chính sách và thiếu ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương.
Năm 2023, làm việc với tỉnh Quảng Nam, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, kinh phí xây dựng khu tái định cư và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực Điện Bàn gần 4.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này rất khó có để có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch để sớm đẩy nhanh dự án phía Quảng Nam phải làm, tuy nhiên dự án này do Bộ Giáo dục - Đào tạo là chủ quản, phân kỳ đầu tư cho Đà Nẵng trước, sau đó đến Quảng Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự án đã treo 27 năm là quá lâu, người dân Quảng Nam gặp vô vàn khó khăn, các bộ ngành cùng địa phương không thể đùn đẩy trách nhiệm, phải nghiên cứu để thống nhất phương án tháo gỡ nút thắt, để dự án được triển khai phía Quảng Nam.
27 năm là khoảng thời gian đủ cho một người sinh ra và trưởng thành nhưng dự án làng đại học vẫn cứ là vùng đất cằn cỗi nằm im lìm chờ đợi. Tháng 9/2023, Đại học Đà Nẵng tiếp tục kêu cứu về dự án này lên Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng tất cả vẫn đang mòn mỏi chờ đợi mà không biết khi nào mới có được câu trả lời cuối cùng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!