Dự án Luật An ninh mạng: Ưu tiên bảo vệ không gian số quốc gia
Trước thực trạng các hình thức lừa đảo công nghệ cao bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và dữ liệu cá nhân, Dự án Luật An ninh mạng đang được xây dựng với mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật an ninh mạng hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018.
Không gian mạng: Mặt trận mới của an ninh quốc gia
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng thuận lợi để chủ động khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, năm 2025 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý người dùng và gây ra tổn thất lớn về tài sản, dữ liệu cá nhân.
Chỉ trong quý I/2025, cả nước ghi nhận 995 vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm gần 50% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng. Các chiêu trò phổ biến gồm lừa đảo qua email, tin nhắn giả danh ngân hàng, mạo danh cơ quan nhà nước để lấy OTP, mật khẩu, hoặc dụ dỗ việc làm online với mức lương cao nhưng yêu cầu đóng phí. Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng các dịp lễ, mùa mua sắm, thiên tai để gia tăng hoạt động lừa đảo.
Thống kê cho thấy, lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật chiếm tỷ lệ cao nhất (21,47%), tiếp đến là lừa đảo tuyển dụng việc làm trực tuyến (21,01%), đầu tư vào các sàn thương mại điện tử, chứng khoán, tiền điện tử (20,53%). Ngoài ra, các thủ đoạn như giả mạo tài khoản mạng xã hội để vay tiền, nhờ chuyển hộ, mua thẻ cào hay lừa đảo tình cảm, tặng quà giá trị cũng không ngừng gia tăng.
Đáng chú ý, tội phạm mạng hiện nay không chỉ sử dụng các phương thức truyền thống mà còn tích hợp công nghệ mới như AI, deepfake, livestream trên mạng xã hội. Những hình thức như "cược thạch", "cược đá" qua TikTok, Facebook đã biến không gian mạng thành "mặt trận" mới của an ninh quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và hệ thống pháp luật.
Dự án Luật An ninh mạng: Công cụ pháp lý trọng yếu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung 4 dự án Luật, trong đó có Luật An ninh mạng - được xác định là công cụ pháp lý trọng yếu nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia.
Hiện, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật An ninh mạng để lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo Luật lần này hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018, lấy tên chung là Luật An ninh mạng. Phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng, không chỉ tập trung vào bảo vệ thông tin mà còn bao quát các vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng sẽ quy định về các hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Nội dung bao gồm bảo vệ thông tin mạng, hệ thống thông tin, phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; phòng chống tội phạm mạng, tiêu chuẩn - quy chuẩn an ninh mạng, sản phẩm - dịch vụ an ninh mạng; điều kiện bảo đảm an ninh mạng, quản lý nhà nước về an ninh mạng và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nguyên tắc, biện pháp bảo vệ an ninh mạng, các hành vi bị nghiêm cấm, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, Luật bổ sung nội dung phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao - một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.
Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị dự án Luật An ninh mạng được xây dựng theo trình tự rút gọn nhằm đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời tiếp tục là công cụ pháp lý trọng yếu bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật An ninh mạng là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới và xu hướng tội phạm mạng ngày càng phức tạp. Luật mới không chỉ tạo sự thống nhất, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận và thực thi pháp luật, mà còn nâng cao năng lực quản lý, phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn trước các mối đe dọa trên không gian mạng.
Dự án Luật An ninh mạng sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền không gian số quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong kỷ nguyên số.