Hà Nội triển khai lộ trình cấm nhựa dùng một lần: Từng bước loại bỏ từ sản xuất đến tiêu dùng
Từ năm 2026 đến 2031, thành phố Hà Nội sẽ từng bước cấm hoàn toàn việc lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì khó phân hủy tại các cơ sở kinh doanh, khu du lịch, chợ, siêu thị, cơ quan hành chính…

Hà Nội sẽ thực hiện lộ trình cấm túi ni lông khó phân hủy: Ảnh minh họa.
Từ năm 2026, Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện nghiêm ngặt lộ trình loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy, áp dụng đồng bộ trong sản xuất, thương mại, du lịch và cả hoạt động sinh hoạt tại cơ quan, tổ chức nhà nước.
Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cụ thể nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy trong sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt trên toàn thành phố.
Các mốc thời gian quan trọng
Từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch tại Hà Nội không được sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo, tăm bông, mũ tắm hay các loại bao bì nhựa chứa sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng...
Từ ngày 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không còn được phép cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học cho người tiêu dùng.
Từ ngày 1/1/2028, các địa điểm này sẽ phải dừng hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy, bao gồm cả hộp xốp, túi ni lông, trừ những trường hợp có chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2031, thành phố yêu cầu chấm dứt sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn địa bàn.
Trong lĩnh vực sản xuất, Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng nhựa PE, PP trong bao bì phải dùng tối thiểu 20% nguyên liệu tái chế từ ngày 1/1/2028 và tăng lên 30% từ năm 2030. Việc giảm dần sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm chứa vi nhựa cũng được đặt ra nhằm thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc chính quyền thành phố cũng phải đi đầu trong việc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông và hộp xốp khó phân hủy trong sinh hoạt nội bộ.
Hoạt động kinh doanh trực tuyến không nằm ngoài lộ trình này. Các sàn thương mại điện tử, đơn vị bán hàng online được giao trách nhiệm cắt giảm bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa, hoặc có phương án thu hồi, tái chế để ngăn ngừa phát tán ra môi trường.
Theo số liệu khảo sát của UBND TP Hà Nội, tại 48 siêu thị trên địa bàn, trung bình mỗi ngày phát ra khoảng 104.000 túi ni lông miễn phí, tương đương gần 38 triệu túi mỗi năm. Điều đáng nói là phần lớn số túi này chỉ được sử dụng một lần, sau đó bị vứt bỏ, chủ yếu đi thẳng vào các bãi chôn lấp rác thải rắn, gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống môi trường đô thị.
Nghị quyết vừa thông qua được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, thúc đẩy các mô hình sản xuất – kinh doanh xanh, giảm tải áp lực rác thải nhựa cho thành phố.
Theo UBND TP Hà Nội, việc từng bước cấm sử dụng và sản xuất nhựa dùng một lần không chỉ là yêu cầu cấp bách về môi trường mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng Thủ đô xanh, sạch, hiện đại và bền vững.