Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hợp tác quốc tế trong bảo vệ biên giới quốc gia

Trong những năm gần đây, quan điểm về hợp tác quốc tế (HTQT) trong bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) ngày càng được Đảng và Nhà nước ta chú trọng. BĐBP được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG, đồng thời là lực lượng quan trọng trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Vì thế, nâng cao hiệu quả HTQT trong bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm… của BĐBP là nội dung quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn xác định HTQT trong bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở khu vực biên giới (KVBG)… là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam hỗ trợ lương thực và trang thiết bị y tế cho Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự và Trạm Công an Tà Vàng, tỉnh Sê Kông (Lào). Ảnh: Huỳnh Chín

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam hỗ trợ lương thực và trang thiết bị y tế cho Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự và Trạm Công an Tà Vàng, tỉnh Sê Kông (Lào). Ảnh: Huỳnh Chín

Những năm qua, BĐBP đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động HTQT trong bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự KVBG và đạt được kết quả quan trọng. Quan hệ HTQT Biên phòng với các nước láng giềng đi vào thực chất, có chiều sâu, hợp tác hiệu quả, nền nếp, chính quy; công tác tổ chức đoàn ra, đoàn vào các cấp trong BĐBP đạt kết quả tốt. Lực lượng BĐBP phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng tổ chức tuần tra song phương hàng trăm lần với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ.

Qua đó, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực hai bên biên giới; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tộc thiểu số xuất cảnh, nhập cảnh trái phép lao động tự do và hoạt động khác của các thế lực thù địch trong khu vực hai bên biên giới.

Bên cạnh đó, BĐBP đã tham mưu và tổ chức tốt các hoạt động, chương trình giao lưu, kết nghĩa hai bên biên giới, như: Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia cấp Bộ Tư lệnh BĐBP. Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới có 137 cặp/265 đồn Biên phòng tổ chức kết nghĩa với các đồn, đại đội BĐBP và Công an Biên phòng các nước láng giềng; tổ chức kết nghĩa 151 cụm bản dân cư hai bên biên giới. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, BĐBP các tỉnh, thành phố đã nhận đỡ đầu 2.802 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở KVBG, trong đó có 87 học sinh người Lào và 91 học sinh người Campuchia. Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác biên phòng được ký, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động bảo vệ biên giới, đảm bảo ANTT ở KVBG.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong bảo vệ BGQG là quan hệ mang tính pháp lý giữa các chủ thể tham gia. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến quan hệ HTQT giữa Việt Nam với các nước trong bảo vệ BGQG vừa phải dựa trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến vấn đề, lĩnh vực hợp tác. Trong khi cơ sở pháp lý về HTQT trong BVBG, đảm bảo ANTT ở KVBG giữa BĐBP Việt Nam với các cơ quan chức năng nước láng giềng được hình thành từ nhiều nguồn văn bản, được ký kết, thỏa thuận từ các ngành chủ quản khác nhau và giá trị pháp lý khác nhau.

Cùng với đó, nhiều vấn đề về HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG của BĐBP chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan cả góc độ lý luận cũng như thực tiễn, như: Khái niệm, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG; tính chất, đặc điểm, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý về HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG; nội dung, hình thức (hoặc biện pháp) HTQT; chức năng, nhiệm vụ, chủ thể HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG... đang là những vấn đề cần phải được nghiên cứu cụ thể.

Do vậy, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tháng 5-2020), quy định về “HTQT về biên phòng” (Chương III), trong đó, cụ thể hóa về “Nguyên tắc HTQT” (Điều 10); “Nội dung HTQT” (Điều 11); “Hình thức HTQT” (Điều 12). Đồng thời, quy định về “Quyền hạn của BĐBP” trong “Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên” (Chương IV, Điều 15, khoản 9).

Như vậy, “HTQT về biên phòng” quy định tại Dự án Luật Biên phòng Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng thực tiễn HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG của BĐBP, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, nhằm nâng cao hiệu quả HTQT, đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ HTQT, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và nhiệm vụ bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai... Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di - dịch cư tự do diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống là khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của BĐBP.

Xác định đúng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP và mối quan hệ phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng về thực hiện HTQT trong bảo vệ BGQG một cách phù hợp, dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, sẽ tạo điều kiện và đảm bảo cho BĐBP thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách, nâng cao trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Quốc phòng về HTQT trong bảo vệ BGQG, đảm bảo ANTT ở KVBG, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đàm Đình Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-an-luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-ve-hop-tac-quoc-te-trong-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post433138.html