Dự án Luật Giá (sửa đổi): Minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Thảo luận tại về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể chiều nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước; căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, chiều nay, 23.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Bổ sung nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, đến nay, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư... Nhiều quy định khác cũng đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết, thẩm định giá của Nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát, bổ sung nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Theo đó, bổ sung 2 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Cơ bản tháo gỡ được các khúc mắc trong thẩm định giá

Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các ĐBQH cho rằng những quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương VI của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu cũng chỉ rõ nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá tại Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”. Nêu thực tế hiện nay nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, đại biểu Phạm Thị Kiểu băn khoăn mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ? Do đó đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.

Cũng quan tâm đến nội dung thẩm định giá, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị, về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá tại Điều 41 dự thảo Luật, nên giữ nguyên tắc bảo mật thông tin đã quy định tại luật hiện hành vì đây là nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thẩm định giá. Liên quan đến việc dự thảo Luật quy định về nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”, đại biểu đặt câu hỏi, quy định chuẩn mực thẩm định giá liệu có phù hợp với các quy định hiện tại hay không? Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành 13 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Đại biểu kiến nghị cân nhắc sử dụng cụm từ “tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” sẽ hợp lý hơn so với từ “chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu ý kiến về thẻ thẩm định viên về giá, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, quy định như dự thảo Luật còn chung chung, dẫn đến cách hiểu những người có bằng đại học đều có thể tham dự kì thi và trở thành thẩm định viên về giá. Nhấn mạnh điều này là chưa hợp lý, đại biểu đề nghị nên quy định cụ thể về bằng đại học một chuyên ngành cụ thể nào đó liên quan đến thẩm định giá sẽ có tính khả thi hơn; có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để đúng ngành.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật như: áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác; các hành vi bị cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá; Quỹ bình ổn giá; thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá; nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; dịch vụ thẩm định giá… Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thông qua.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/du-an-luat-gia-sua-doi-minh-bach-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-gia-i329817/