Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và yêu cầu cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật.

Trong chương trình phiên họp thứ 3, ngày 13/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo Thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật này dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trình bày Dự thảo luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 8 chương, 156 điều đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Đối với những quy định chung: Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); Các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Về Hợp đồng bảo hiểm: Nội dung này cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện gồm: Các quy định chung; Đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự); Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp;...

Về Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Về tổ chức hoạt động, bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Ngoài ra, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng;...

Về Bảo hiểm vi mô: Nội dung này được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Về Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Các nội dung sửa đổi bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Về Quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội

Thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Đồng thời cho biết, Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ một số nội dung tại dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án Luật sửa đổi; chú trọng đối chiếu quy định với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, chất lượng dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định của pháp luật có liên quan; thể hiện đầy đủ chủ trương, chính sách mới trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại dự án Luật. Đồng thời, do phạm vi điều chỉnh của dự án luật rộng, cần tiếp tục bổ sung, đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan đến bảo hiểm Việt Nam là thành viên để không làm cản trở việc thực hiện nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế....

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh các Báo cáo thẩm tra dự án Luật;...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-an-luat-kinh-doanh-bao-hiem-sua-doi-du-dieu-kien-trinh-quoc-hoi-post155838.html