Dự án Luật lực lượng dự bị động viên: Cần quy định rõ quyền của quân nhân dự bị

Dưới góc độ xã hội sẽ tạo nên phản ứng tiêu cực từ người dân, vì họ cho rằng khi tham gia lực lượng dự bị động viên chỉ có nghĩa vụ không có quyền lợi gì. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm để có quy định phù hợp

Ngày 11-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nhất trí về sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, cần nghiên cứu lại tên của luật để bảo đảm bao quát hết được nội dung của luật bao gồm của con người và phương tiện kỹ thuật.

“Theo các quy định của Hiến pháp năm 2013, tại Điều 65, Điều 66 và Chỉ thị số 16 của Trung ương đã quy định lực lượng dự bị động viên chỉ là con người, mà quy định như vậy thì mới phù hợp với nội dung của Điều 4 về nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của dự thảo luật.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 đã quy định lực lượng dự bị động viên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ. Do đó, nếu quy định lực lượng dự bị động viên gồm cả phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân thì không phù hợp với nguyên tắc được quy định ở Điều 4”, đại biểu nói.

Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu việc huy động phương tiện kỹ thuật phải được thực hiện theo Điều 32 Hiến pháp và các quy định liên quan đến Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) phát biểu ý kiến tại hội trường (ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) phát biểu ý kiến tại hội trường (ảnh: Quốc hội)

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ), đối tượng áp dụng tại Điều 2 Dự thảo qui định: "Quy định luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lực lượng dự bị động viên" là chưa sát với nội dung dự thảo luật và không phù hợp với phạm vi điều chỉnh

Vì vậy, đại biểu đề nghị điều chỉnh đối tượng áp dụng như sau: "Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên đến việc thực hiện chế độ, chính sách đảm bảo kinh phí trong xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên" nhằm đảm bảo tính bao quát của luật.

Đáng quan tâm, theo đại biểu, về nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên nhưng không quy định về quyền của quân nhân dự bị mặc dù trong các quy định khác về chính sách có thể hiện quyền của quân nhân dự bị.

“Việc thiếu vắng một điều luật riêng biệt, độc lập và tập trung các quyền lại bên cạnh nghĩa vụ sẽ ít nhiều dẫn đến một số hệ quả sau: Chưa thể hiện hết được tinh thần Hiến định khi mà Hiến pháp khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Quy định này ngoài ý nghĩa trực tiếp về hai mặt đối lập của việc bảo vệ Tổ quốc, vừa là quyền vừa là nghĩa vụ thì cần được hiểu khi tham gia bảo vệ Tổ quốc, công dân vừa có quyền vừa có nghĩa vụ.

Dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, khi không có quyền mà chỉ có nghĩa vụ của một chủ thể, tất yếu sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong một văn bản pháp luật. Dưới góc độ xã hội sẽ tạo nên phản ứng tiêu cực từ người dân, vì họ cho rằng khi tham gia lực lượng dự bị động viên chỉ có nghĩa vụ không có quyền lợi gì. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm để có quy định phù hợp”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định cùng với công chức, viên chức là đối tượng thuộc diện đăng ký để trở thành quân nhân dự bị. Thế nhưng, chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu lại không quy định về trường hợp thi nâng hạn viên chức mà chỉ đề cập đến nâng ngạch công chức.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp được hoãn tập trung huấn luyện là trong thời gian thi nâng hạng viên chức nhằm đảm bảo quyền lợi cho quân nhân dự bị là viên chức.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) dẫn điểm b khoản 4 Điều 33 quy định: "Quân nhân dự bị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động mà bị ốm đau, tai nạn được xác định là tai nạn lao động hoặc bị chết thì được nhà nước bảo đảm” và đề nghị quy định cụ thể hơn nữa nội dung được nhà nước bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giải quyết chế độ này.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-can-quy-dinh-ro-quyen-cua-quan-nhan-du-bi-151534.html