Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội lại bị đòi bồi thường chi phí phát sinh
Ngoài việc chậm tiến độ, dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn – ga Hà Nội, còn vừa bị nhà thầu đòi bồi thường chi phí do kéo dài thời gian thực hiện một số gói thầu của dự án. Ngày 9/7, chủ đầu tư đã có thông tin về sự việc này.
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị hướng dẫn việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian các gói thầu xây lắp thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Cụ thể, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án được khởi công từ tháng 6/2010 và có mục tiêu hoàn thành tháng 9/2017, tuy nhiên đến nay sau hơn 10 năm thi công dự án mới đạt 62% khối lượng công việc, riêng đoạn đi trên cao đạt 73,28%. Thành phố đang yêu cầu đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác đoạn trên cao trong năm 2021 và toàn tuyến vào năm 2022.
Đề cập đến việc nhà thầu nước ngoài đòi bổ sung chi phí, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, do dự án phát sinh thời gian thi công nên các nhà thầu quốc tế yêu cầu chủ đầu tư bổ sung chi phí lớn. Cụ thể, gói thầu xây lắp CP01 ký với Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc), thời gian thực hiện 30 tháng từ ngày khởi công (4/7/2014), tối đa sau 30 ngày kể từ ngày khởi công nhà thầu được quyền tiếp cận công trường. Song, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời công trình, chủ đầu tư đã chậm bàn giao mặt bằng khoảng 18 tháng so với cam kết.
Tại gói CP07, chủ đầu tư cũng phải thống nhất kéo dài thời gian thực hiện thêm 21 tháng so với hợp đồng gốc và bổ sung 1,47 triệu EUR chi phí cho Công ty Colas Rail (Pháp). Với các gói thầu khác như CP02 cũng phải kéo dài thời gian thực hiện thêm 24 tháng, giá trị bổ sung mà nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) yêu cầu cho việc hoàn tất gói thầu CP02 là 7,22 triệu USD…
Về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin: các chi phí phát sinh này trong dự toán các gói thầu, không vượt giá trị dự toán và tổng mức đầu tư được phê duyệt. Vừa qua chủ đầu tư đã đề nghị các nhà thầu chờ các hướng dẫn của Bộ, ngành để tháo gỡ, tuy nhiên, các nhà thầu đều không chấp thuận và yêu cầu thành lập ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện ra lên trọng tài quốc tế, đồng thời cho biết sẽ dừng huy động công trường nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm.
Chủ đầu tư nói gì về yêu cầu đòi bồi thường chi phí phát sinh?
Sáng 9/7, đại diện chủ đầu tư MRB đã có thông tin thêm về sự việc trên. Theo lãnh đạo MRB, đây là một dự án lớn, phức tạp và là dự án thí điểm về đường sắt đô thị tại Hà Nội do đó quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục đặc biệt liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện Hợp đồng (EOT) và chi phí bổ sung do việc kéo dài thời gian thực hiện của các hợp đồng của Dự án.
“Quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, vướng mắc giao diện giữa các gói thầu dẫn đến hầu hết các hợp đồng đều phải kéo dài thời gian và các nhà thầu yêu cầu bổ sung chi phí theo quy định của Hợp đồng đã ký kết. Ban cùng các tư vấn đã tiến thành rà soát và đàm phán rất nhiều lần với các nhà thầu về vấn đề này”, đại diện MRB thông tin.
Dẫn chứng cho một số khó khăn trên, MRB cho biết: Trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình ngầm nổi trong thành phố là hết sức khó khăn, đặc biệt là trong thành phố như Hà Nội như: Quản lý trật tự đô thị không tốt, trong đó có việc người dân lấn chiểm chỉ giới, các nhà thầu đã thi công công trình ngầm nổi không đúng bản vẽ thi công được duyệt dẫn đến khi di chuyển không đúng, phát sinh điều chỉnh dẫn đến chậm trễ; Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp một số vấn đề trong đó có việc: xây dựng hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu của dự án có tính chất đặc thù riêng biệt (đặc biệt các các gói thầu thiết bị) do vậy trong quá trình thực hiện có khá nhiều nội dung cần phải rà soát đối chiếu thậm chí nảy sinh tình huống trong đấu thầu mất rất nhiều thời gian để thống nhất xử lý;
Kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các Nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; Công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán: đây là lĩnh vực đường sắt đô thị là một trong những lĩnh vực mới không chỉ riêng đối với thành phố Hà Nội mà cả nước nói chung.
“Từ những nguyên nhân trên dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện của các gói thầu”, Ban MRB nhận định.
Theo MRB, hiện Ban đang nỗ lực cùng với nhà thầu để khắc phục các khó khăn nhằm rút ngắn thời gian, ảnh hưởng của dịch COVID -19 đưa dự án vào vận hành trước đoạn trên cao.