Dự án nâng cấp đường sắt 'khủng' trị giá 7.000 tỷ đồng đang triển khai ra sao?
4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh với kinh phí 7.000 tỷ đồng sau khi hoàn thành sẽ đem tới kỳ vọng nâng cao năng lực vận tải trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần và hàng hóa là 1,3 - 1,5 lần.
Công trường thi công cầu Rồng Lớn Km641+700 (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm trong gói thầu XL-CY-06 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh
Tháng 5/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, 4 dự án thuộc gói 7.000 tỷ đồng là dự án rất đặc biệt vì rất lâu mới có được nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt có tính chất tập trung. Vì vậy, Thứ trưởng lưu ý 2021 là năm quyết định trong việc thi công, hoàn thành, giải ngân số vốn được bố trí.
Các Ban quản lý dự án với vai trò là chủ đầu tư phải tập trung quản lý, chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án bám sát tiến độ thực hiện, tổ chức giải ngân theo kế hoạch đã cam kết. Tăng cường quản lý các chủ thể, quản lý chất lượng thực hiện dự án.
Nhà thầu cần huy động nhân lực, thiết bị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn chạy tàu và an toàn lao động trong quá trình thi công. Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chất lượng công trình, bảo đảm an toàn thi công của các nhà thầu.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng sau khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận tải đường sắt trên tuyến Bắc - Nam
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Mai Minh Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, 4 dự án gồm:
Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (dự án Hà Nội - Vinh) với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng. Trong đó 6/8 gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng bắt đầu triển khai thi công từ ngày 1/10/2020 và còn 2 gói đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (dự án Nha Trang - Sài Gòn) với tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng. Trong đó 8/9 gói thầu đã ký hợp đồng bắt đầu triển khai thi công từ ngày 1/8/2020 và còn 1 gói đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (dự án Cầu Yếu) với tổng mức đầu tư hơn 1.946 tỷ đồng. Hiện cả 11 gói thầu đã ký hợp đồng và triển khai thi công từ ngày 15/5/2020.
Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Thời hạn hoàn thành các dự án là hết năm 2021.
Trong số 4 dự án thuộc gói 7.000 tỷ đồng, Ban quản lý dự án đường sắt được giao làm chủ đầu tư 3 dự án là dự án Hà Nội - Vinh, dự án Nha Trang - Sài Gòn, dự án Cầu Yếu. Nhìn chung hiện cả 3 dự án đang triển khai các gói thầu xây lắp bảo đảm an toàn, chất lượng và cơ bản đáp ứng tiến độ, kế hoạch, hợp đồng đã ký kết.
Tuy nhiên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Mai Minh Việt cũng cho biết, trong quá trình triển khai các dự án cũng gặp phải không ít khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số hạng mục thi công như: đường gom, mái che ke ga,...
Đặc biệt do đặc thù của công tác vừa thi công, vừa chạy tàu nên nhiều vị trí thi công trên tuyến phải sắp xếp bố trí các điểm chạy chậm phù hợp theo bảng tiến độ chạy chậm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
X
Thông tin từ Bộ GTVT, 4 dự án này có quy mô rất lớn; xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu. Bên cạnh đó sẽ cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200 km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến;...
Sau khi hoàn thành, 4 dự án cấp thiết thuộc gói 7.000 tỷ sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu. Từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m. Tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.
Đặc biệt, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về nâng cao năng lực khai thác vận tải trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần. Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h.