Dự án nhà ở xã hội tại xã Lê Minh Xuân: Bức xúc vì bồi thường kiểu xé lẻ
Thuê đất để canh tác như nhiều người khác nhưng trong khi các cán bộ, công nhân viên và nhiều hộ dân tại Nông trường Láng Le (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) được huyện Bình Chánh bồi thường, hỗ trợ đầy đủ về đất đai, cây trồng, vật nuôi thì một bộ phận không nhỏ hộ dân khác chưa được huyện này bồi thường, hỗ trợ về khoản 80% giá trị đất nông nghiệp khiến họ bức xúc.
Ông Phạm Văn Chính (SN 1955, ngụ P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM) phản ánh, năm 1991, ông và nhiều hộ dân khác bắt đầu canh tác nông nghiệp tại Nông trường Láng Le. Từ năm 1993, ông nhận khoán hơn 1,89 ha đất thuộc lô 7/1, thửa K71606 để trồng mía, mỗi năm thu hoạch từ 35-40 tấn. Từ năm 2002, ông và nhiều nông dân khác chuyển sang trồng tràm. Ngày 15-12-2005, UBND thành phố có quyết định giải thể Nông trường Láng Le.
Năm 2006, Nông trường Láng Le tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất hoặc nhận khoán đất, đồng thời bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con. UBND huyện Bình Chánh được Hội đồng Thẩm định bồi thường (TĐBT) thành phố thống nhất việc chỉ định Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Bình Chánh kiểm kê hiện trạng, tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, thanh lý hợp đồng với các hộ dân nhận khoán đất nông trường.
Ngày 13-4-2010, Ban BTGPMB dự án nhà ở xã hội xã Lê Minh Xuân có phương án số 72/PA-HĐBT (gọi tắt là phương án bồi thường số 72) về bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ nhận khoán đất của Nông trường Láng Le.
Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân giao khoán đất là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp, đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp: mức hỗ trợ bằng 80% đơn giá đất nông nghiệp cùng loại để tính bồi thường và hỗ trợ được UBND thành phố phê duyệt tại công văn số 7062/UBND-ĐTMT ngày 14-11-2008 theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định.
Sau khi có phương án bồi thường số 72, Ban BTGPMB huyện Bình Chánh tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Trong khi nhiều cán bộ, công nhân viên và nhiều hộ dân khác được bồi thường đầy đủ về hoa màu, cây trồng vật nuôi và 80% giá trị đất thì còn một bộ phận không nhỏ hơn chục hộ, trong đó có những hộ như các ông, bà: Cao Trường Sơn, Phạm Văn Chính, Phan Văn Á, Phan Mạnh Tùng, Trần Thị Nghiệm, Trần Văn Gương... mới được Ban BTGPMB huyện Bình Chánh bồi thường về các khoản đầu tư trên đất, riêng khoản bồi thường 80% giá trị đất thì chưa được nhận khiến họ phải làm đơn khởi kiện ra tòa.
Từ năm 2015 đến 2018, Hội đồng TĐBT thành phố có nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ cho bà con thuê, khoán đất tại Nông trường Láng Le. Trong đó đáng chú ý, ngày 15-6-2018, Hội đồng TĐBT TPHCM có công văn 343/HĐTĐBT (gọi tắt là công văn 343) về việc áp dụng giá đất để tính bồi thường hỗ trợ đối với người dân nhận thuê đất sản xuất nông nghiệp hoặc nhận khoán đất sản xuất nông nghiệp tại Nông trường Láng Le, xã Lê Minh Xuân.
Ngày 8-8-2018, UBND TPHCM có công văn số 3575/UBND-ĐT (gọi tắt là công văn 3575) về việc áp dụng giá đất đối với người dân nhận thuê đất sản xuất nông nghiệp hoặc nhận khoán đất sản xuất nông nghiệp tại Nông trường Láng Le. Và ngày 26-12-2018, Hội đồng TĐBT thành phố tiếp tục có công văn số 782/HĐTĐBT (gọi tắt là công văn 782) về việc hướng dẫn thực hiện đối với các trường hợp thuê, khoán đất Nông trường trong các dự án. Mặc dù Hội đồng TĐBT thành phố và UBND TPHCM có nhiều văn bản về việc áp dụng giá đất để tính bồi thường hỗ trợ đối với người, nhưng đến nay Ban BTGPMB và UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa bồi thường hết cho bà con.
Trước việc khởi kiện, tháng 8-2018, làm việc với TAND thành phố, ông Trần Ngọc Vũ - người đại diện cho Chủ tịch huyện Bình Chánh thống nhất hỗ trợ cho ông Cao Trường Sơn 80% giá trị đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, ông Sơn vẫn chưa nhận được đồng nào. Ông Sơn bức xúc: "Huyện Bình Chánh đã thống nhất hỗ trợ 80% giá trị đất nông nghiệp cho tôi, nhưng hơn 2 năm nay họ không chi trả tiền cho tôi là quá vô lý”.
Năm 2019, bà Nguyễn Hồng Ngọc và ông Nguyễn Công Dân được UBND huyện Bình Chánh ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với phần đất họ canh tác tại Nông trường Láng Le. Những hộ còn lại như các ông bà: Phạm Văn Chính, Phan Văn Á, Phan Mạnh Tùng, Trần Thị Nghiệm, Trần Văn Gương... đến nay vẫn chưa được huyện Bình Chánh bồi thường, hỗ trợ 80% giá trị đất nông nghiệp như các hộ khác theo phương án bồi thường số 72 và các văn bản của thành phố hướng dẫn.
Để làm rõ những khuất tất trong việc chậm bồi thường cho bà con, phóng viên Báo Công an TPHCM đã liên hệ với UBND huyện Bình Chánh và Ban BTGPMB của huyện này. Tuy nhiên, một cán bộ Ban BTGPMB huyện Bình Chánh cho biết: "Bà con có những thắc mắc gì, đề nghị Báo Công an TPHCM làm công văn gửi đến Ban BTGPMB để chúng tôi trình lên lãnh đạo huyện mới có thông tin trả lời cụ thể cho báo và cho bà con". Ngày 25-9-2020, Báo Công an TPHCM có công văn nêu những phản ánh, thắc mắc của bà con gửi UBND huyện Bình Chánh nhưng đến nay đã gần một tháng Báo vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.
Và mới đây người dân cho biết, họ vừa làm việc với một số cơ quan chức năng liên quan, được hướng dẫn làm đơn yêu cầu Ban BTGPMB và UBND huyện Bình Chánh thực hiện theo các công văn 343, 3575, 782 về việc tiến hành bồi thường hỗ trợ 80% giá trị đất nông nghiệp trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Gia Phú tại xã Lê Minh Xuân vì dự án này chậm bồi thường khiến bà con khiếu nại gần 10 năm nay.
Ban BTGPMB và UBND huyện Bình Chánh cũng trả lời cho người dân là chờ ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố về việc áp dụng hỗ trợ 80% đơn giá đất nông nghiệp cùng loại để tính bồi thường theo quy định của phương án, UBND huyện Bình Chánh sẽ thực hiện theo quy định. Hiện tại bà con chưa được bồi thường 80% giá trị đất nông nghiệp nhưng phía chủ đầu tư đã thực hiện san lấp mặt bằng trên đất của người dân, khiến họ rất bức xúc. Do vậy, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, UBND huyện Bình Chánh sớm giải quyết cho người dân.