Dự án Pháp - Việt: Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam

Sau 2 năm triển khai, dự án 'Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam' không chỉ phát huy giá trị chuyên môn của Pháp trong lĩnh vực bảo tàng mà còn tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa các cơ quan văn hóa, di sản Việt Nam.

Được tài trợ bởi Quỹ Đoàn kết các dự án đổi mới (FSPI) của Bộ Ngoại giao Pháp, dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” do Bộ phận Hợp tác và Hoạt động văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội khởi xướng, với mục đích đáp ứng nhu cầu của đông đảo đối tác Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác với các bảo tàng Pháp.

Dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, Hợp phần 1 của dự án nhằm phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam (bảo quản bộ sưu tập, xây dựng nội dung trưng bày, thiết kế không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng).

Bên cạnh những buổi hội thảo chuyên đề nhằm giới thiệu các ngành nghề được tổ chức ở Việt Nam, 8 cán bộ giảng viên thuộc 4 trường đại học đã tham gia vào các chuyến thực địa ở Pháp để làm phong phú thêm kinh nghiệm giảng dạy các bộ môn liên quan đến lĩnh vực bảo tàng và di sản.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet (thứ ba, từ trái sang) phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet (thứ ba, từ trái sang) phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, cuối năm 2024, cuốn sách "Bảo tàng học," cẩm nang không thể thiếu của các chuyên gia bảo tàng Pháp, sẽ được hoàn thành chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành tài liệu tham khảo cho việc phát triển giảng dạy ngành nghề về bảo tàng tại Việt Nam.

Hợp phần 2 tập trung vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực các cán bộ bảo tàng Việt Nam, gồm 12 khóa tập huấn về đón tiếp công chúng, bảo quản bộ sưu tập, xây dựng nội dung triển lãm cũng như ý thức trách nhiệm sinh thái của bảo tàng với sự tham gia của hơn 100 cán bộ bảo tàng.

Được chính quyền tại các địa phương đón nhận nhiệt tình, dự án đã tăng cường hợp tác của Pháp và Việt Nam tại hơn 20 đơn vị tham gia đến từ Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, mở ra những bước tiến lớn trong hợp tác về di sản văn hóa cũng như di sản thiên nhiên.

Hợp phần 3 bao gồm 3 dự án thí điểm: Cải tạo Trung tâm Du khách của Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình; Hỗ trợ biên soạn nội dung trưng bày của Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường của Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam; Thiết kế và sản xuất công cụ truyền đạt nội dung bằng âm thanh mang tên Chiếc hộp kể chuyện tại TP.HCM.

Ngoài đáp ứng mục tiêu phát huy giá trị chuyên môn và chuyển giao những kinh nghiệm quý báu của Pháp trong lĩnh vực bảo tàng, dự án còn tạo lập mối liên hệ sâu sắc giữa các cơ quan văn hóa và di sản của Việt Nam, cũng như với các đối tác của Pháp như Trung tâm Khoa học công nghệ Universcience, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris, Bảo tàng Confluences và Viện Di sản quốc gia Pháp.

Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, dự án này tiếp nối những hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, cũng như nhằm cụ thể hóa nội dung được lãnh đạo hai nước trao đổi và nêu trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, đó là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng. Đồng thời, kết quả của dự án cũng tạo tiền đề mở ra những dự án hợp tác mới ngay trong năm 2025.

“Đây là dự án hết sức quan trọng với ngân quỹ dành cho dự án là khoảng 600.000 Euro (hơn 16 tỷ đồng) trong vòng 2 năm và hơn 200 cán bộ công tác tại 20 đơn vị khác nhau của Việt Nam được thụ hưởng các kết quả mà dự án mang lại. Bên cạnh đó, chủ đề của dự án là gìn giữ và phát huy di sản của Việt Nam là một điều hết sức quan trọng. Phát huy di sản chính là phát huy được cái mà chúng ta gọi là bản sắc văn hóa trong tính đa dạng của cộng đồng dân tộc của Việt Nam. Hơn nữa là việc phát huy di sản còn có tác động đến nền kinh tế, tạo ra của cải cho đất nước. Những quốc gia như Việt Nam và Pháp luôn luôn muốn triển khai những chính sách để làm sao khuyến khích việc phát huy di sản", Đại sứ nhấn mạnh.

Các đối tác Việt Nam cũng bày tỏ sự hài lòng với kết quả và chất lượng của dự án, đồng thời, mong muốn triển khai thêm nhiều chương trình hợp tác trong tương lai. Ông Đỗ Hồng Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Giáo dục Môi trường của Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: “Tính từ đầu năm 2024 đến nay, có 77.500 lượt du khách đến tham quan, học tập, trải nghiệm và nghỉ lại tại Vườn quốc gia, trong đó có tới 80% lượng du khách đã tham quan và tìm hiểu tại Trung tâm. Du khách đều đưa ra những nhận xét, đánh giá cao về thiết kế, trưng bày, cung cấp thông tin và truyền tải thông điệp."

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-phap---viet-chia-se-va-gin-giu-di-san-viet-nam-d216756.html