Dự án 'phim độc lập': Cơ hội cho người trẻ
Thông qua các dự án trong nước và quốc tế, thời gian qua nhiều tác phẩm điện ảnh Việt đã đầu tư sản xuất và giành được những thành công tại các liên hoan phim (LHP). Có thể thấy, nếu như ý tưởng về Quỹ hỗ trợ điện ảnh sau 20 năm vẫn 'dậm chân tại chỗ' thì đây được xem hướng đi và cơ hội 'vàng' cho những nhà làm phim trẻ.
Tin vào sức trẻ
Mới đây, BTC cuộc thi Dự án phim ngắn CJ 2019 đã công bố 5 dự án phim ngắn xuất sắc nhất được nhận hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng/dự án. Các dự án được lựa chọn gồm: “Bình” - Phạm Quốc Dũng, “Hồn papa da con chó” - Lê Bình Giang, “Mây nhưng không mưa” - Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy, “Mẹ, tôi và máy ghi hình” - Phạm Quang Trung, “Gì cũng sửa” - Lê Lâm Viên.
Trong 5 nhóm thí sinh giành được 1,5 tỉ đồng từ dự án năm nay, bên cạnh những gương mặt mới đang khát khao khẳng định tên tuổi của mình trên hành trình trở thành đạo diễn chuyên nghiệp còn có những đạo diễn trẻ giàu kinh nghiệm tại các LHP quốc tế. Tiêu biểu như nhà làm phim trẻ Lê Bình Giang đã “chinh chiến” qua hơn 25 quốc gia để đưa bộ phim của mình đến với khán giả quốc tế.
Bên cạnh sự chuẩn bị kỹ về khâu lên kế hoạch sản xuất, các tác phẩm năm nay còn được đánh giá mang đậm phong cách riêng và dấu ấn tác giả, hội tụ đầy đủ tố chất để đi xa tại các LHP quốc tế. Dự kiến, 5 dự án phim ngắn sẽ bước vào giai đoạn sản xuất từ nay đến cuối tháng 11/2019 và dự kiến ra mắt vào tháng 1/2020.
Thế nhưng, Dự án phim ngắn CJ 2019 cũng chỉ là một trong hàng loạt dự án hỗ trợ làm phim dành cho những nhà làm phim trẻ trong thời gian qua. Sau thành công của những cái tên Phan Đăng Di, Hoàng Điệp... dường đã tạo nên động lực cho những nhà làm phim trẻ “mạnh dạn” tham gia sản xuất các bộ phim độc lập. Ở đó, với dòng phim ngắn trong thời gian qua không chỉ gia tăng về số lượng mà một số tác phẩm còn vinh dự được mời tham gia những LHP lớn của thế giới và giành được những giải thưởng cao quý.
Thậm chí nhiều đài truyền hình hiện nay còn dành hẳn một khung giờ nhất định để trình chiếu phim như “Góc phim ngắn” (HTV), “Giờ phim ngắn” (Yan TV). Và ở đó không thể phủ nhận sự thành công đang được tạo nên từ sân chơi của những đạo diễn trẻ, những người mới chập chững dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy.
Có thể kể đến Phạm Ngọc Lân với “Một thành phố khác” và mới đây là “Một mảnh đất tốt” được vào vòng dự thi của LHP Berlin. Hay Phạm Thiện Ân với bộ phim “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” giành giải thưởng cao nhất trong hạng mục Illy của LHP Cannes.
Ngoài ra còn là những cái tên Dương Diệu Linh, một nhà làm phim nữ trẻ có phim chọn vào vòng dự thi của LHP Busan; Phạm Quang Trung với phim giành giải thưởng phim ngắn hay nhất tại Seashorts Film Festival ở Malaysia giành cho các nước Đông Nam Á với bộ phim đầu tay “Ant-Man”...
Thử thách đầu tay
Để có được những thành công, bên cạnh tài năng thì các nhà làm phim trẻ hiện nay phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Bên cạnh vai trò là đạo diễn họ còn đảm đương phần dựng phim, chỉnh màu, hậu kỳ... và đặc biệt là tìm các nguồn tài trợ. Đơn cử như trường hợp của nhà làm phim Phạm Ngọc Lân, để hoàn thiện các tác phẩm của mình Lân đã phải tích cực tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các quỹ văn hóa như Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF), Viện Goethe Hà Nội... Nhờ sự giúp đỡ của các quỹ văn hóa này mà Phạm Ngọc Lân mới hoàn thành và kịp gửi bộ phim “Một thành phố khác” tham gia LHP Berlin 2016.
Đây là phim ngắn thứ hai của Phạm Ngọc Lân được hoàn thành bằng việc kêu gọi các nguồn hỗ trợ, tuy không được giải nhưng bộ phim đã giúp các nhà làm phim trẻ Việt Nam có thêm hy vọng bước ra sân chơi quốc tế, bỏ qua mối lo kinh phí.
Cùng với đó, để một bộ phim độc lập có cơ hội “xuất ngoại” không phải là việc dễ dàng khi điện ảnh Việt đang thiếu hụt từ nhà sản xuất cho đến nhà lý luận phê bình điện ảnh, những người marketing, phát hành phim, thậm chí số lượng giám tuyển Việt Nam đưa phim tới các LHP quốc tế hay ra nước ngoài gần như không có.
Chưa kể, được coi sản phẩm “khởi nghiệp” không hẳn các bộ phim ngắn của những người trẻ khi ra mắt đều giành được những thành công. Bởi trên thực tế để làm được một bộ phim ngắn hay, đạt được những tiêu chí nghệ thuật nhất định là điều không dễ.
Giữa một “rừng” phim ngắn, kiểu phim có nội dung nhảm, kịch bản dễ dãi, giật gân câu khách đang xuất hiện nhan nhản. Thậm chí hàm lượng nghệ thuật của những bộ phim này cực thấp mà chỉ nhằm vào ý đồ giải trí và câu view. Chính vì kiểu “ăn xổi” này nên dễ nhận thấy, dù điều kiện làm phim ngày càng cải thiện nhưng số phim hay chỉ đếm trên đầu ngón tay...
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, đạo diễn Phạm Ngọc Lân bày tỏ: “Có những việc người khác làm vèo cái là xong, tôi lại muốn tỉ mẩn, từ từ một chút. Tư duy phim phải làm sao mạch lạc, lý tính, là điều không thể bỏ qua”.
Cũng theo Phạm Ngọc Lân, bản nháp ban đầu thường rất tệ, tuy nhiên phải kiên trì để phát triển dần. Trong quan điểm điện ảnh nói chung, thường thì đa số phim truyện là những câu chuyện được tưởng tượng. Đôi khi, câu chuyện thật lại bị xem là hư cấu, làm cho méo mó…
Nội dung để viết rất nhiều, song cố gắng làm thế nào để khi phim lên, không quan trọng người xem thấy hay không thấy điều đó, mà là họ hiểu được điều chúng ta muốn nói. Câu chuyện phim, dù trong khoảnh khắc ngắn, phơi bày được những suy nghĩ của người làm phim.
“Hiện tại, nhiều nhà làm phim đưa dự án tới các LHP quốc tế hay các chương trình điện ảnh nhằm có “hồ sơ đẹp” để xin tài trợ, kinh phí làm phim. Tuy vậy, không phải “cái phao” nào cũng dễ chịu và tạo sự tự do cho các nhà làm phim”- đạo diễn Phạm Ngọc Lân bày tỏ.