Dự án SNRM góp phần tích cực cải thiện sinh kế người dân
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện dự án Dự án SNRM (Sustainable Natural Resource Management Project) ngày 27/11, các đại biểu đều cho rằng dự án SNRM đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực cải thiện sinh kế người dân.
Dự án SNRM là một dự án hợp tác kỹ thuật do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, thực hiện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và 5 tỉnh gồm Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu và Lâm Đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 08/2015 đến tháng 01/2021. Sau 5 năm triển khai dự án đã hỗ trợ 10.022 hộ gia đình thực hiện 31 hoạt động phát triển sinh kế như trồng rau, nuôi ong, trồng cỏ, trồng cây ăn quả, hoạt động nông lâm kết hợp, bếp cải tiến, lắp đặt hầm biogas, đã giúp hàng chục nghìn người dân cải thiện sinh kế.
Ông Phạm Vũ Thắng - Giám đốc Dự án SNRM - cho biết, kể từ khi thực hiện vào tháng 8/2015, dự án đã triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ xây dựng Luật Lâm nghiệp và các văn bản chính sách quan trọng khác. Hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đồng thời đáp ứng các nhu cầu đa dạng và giải quyết vấn đề dưới nhiều cách thức khác nhau thông qua hợp tác với các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, người dân địa phương và các DN tư nhân Nhật Bản. Quản lý rừng với vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu và tận dụng các nguồn vốn bên ngoài để thực hiện vai trò đó các hoạt động của dự án cũng đã và đang được các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao và nhân rộng.
Để bảo vệ diện tích rừng, dự án đã hỗ trợ thành lập 55 tổ tuần tra rừng cấp thôn bản bảo vệ rừng tại 4 tỉnh Tây Bắc. Trong đó đưa ra các quy chế bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ tính riêng diện tích rừng được cấp thôn bản quản lý tại các xã mục tiêu của dự án đã lên tới hơn 13.000ha, tổng diện tích rừng trồng được là 375ha.
Trong hợp tác với chính quyền Trung ương, dự án đã hỗ trợ rà soát và dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thúc đẩy Chương trình hành động REDD+ quốc gia và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học. Trong hợp tác với chính quyền địa phương, đặc biệt tại 4 tỉnh ở Tây Bắc (Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu) phát triển và thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh. Tại tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên, dự án hỗ trợ thiết lập và thực hiện kế hoạch quản lý khu dự trữ sinh quyển Liang Biang.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá: Những nỗ lực của ban điều hành, ban quản lý dự án, các chuyên gia, quản lý ở các địa phương... đã góp phần mang lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Dự án đã hoàn thành cơ bản tốt việc hỗ trợ các chính sách bảo tồn thiên nhiên trong thời gian qua không chỉ cho 5 tỉnh trong dự án mà còn góp phần cùng với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lâm nghiệp, lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên cũng như triển khai sáng kiến mới.