Dự án tên lửa đạn đạo mới của Mỹ có nguy cơ 'chết yểu'
Chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Không quân Mỹ có nguy cơ vượt quá ước tính chi phí ban đầu là 96 tỷ USD.
Chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của Không quân Mỹ nguy cơ vượt quá ước tính chi phí ban đầu là 96 tỷ USD, đến mức có thể khiến họ phải xem xét xem có nên chấm dứt dự án hay không.
Theo Bloomberg ngày 19/12, ước tính mỗi ICBM và các chi phí liên quan, chẳng hạn như xây dựng hầm chứa, có thể đắt hơn tới 50% so với ước tính chi phí năm 2020 là 118 triệu USD (chưa điều chỉnh theo lạm phát). Về lý thuyết, điều đó có thể khiến chi phí cho 659 tên lửa trong kế hoạch lên tới gần 117 tỷ USD.
Dự án ICBM Sentinel do tập đoàn Northrop Grumman phát triển và quản lý nhằm thay thế các tên lửa Minuteman III có từ những năm 1970. Dự án nhằm hiện đại hóa bộ ba vũ khí hạt nhân trên không -trên bộ - trên biển.
Mặc dù sáng kiến đó nhận được sự ủng hộ đáng kể ở Quốc hội Mỹ, nhưng chi phí gia tăng có thể kích hoạt các điều khoản của một đạo luật hơn 40 năm tuổi, được thiết kế để cảnh báo các nhà lập pháp về các dự án gặp khó khăn và buộc Lầu Năm Góc phải chính thức tái khẳng định lý do căn bản của chương trình, nếu không sẽ phải đối mặt với khả năng chấm dứt dự án.
Andrew Hunter, Giám đốc mua sắm trang thiết bị của Không quân Mỹ, cho biết: “Xuất hiê thông tin mới về các yếu tố đang dẫn đến những thay đổi đối với các khía cạnh quan trọng của chương trình, từ chi phí vật liệu và nhân công đến khung thời gian cần thiết để xây dựng các cơ sở phóng”.
Ông Hunter lưu ý: “Bây giờ chúng ta đang ở một giai đoạn khác so với khi chi phí và lịch trình của chương trình ban đầu được đặt làm mức cơ sở vào tháng 8/2020. Việc xem xét lại các đánh giá của chúng tôi đảm bảo rằng các lãnh đạo cấp cao được cung cấp thông tin cập nhật cần thiết để đưa ra quyết định”.
Trong một tuyên bố, Không quân Mỹ cho biết quá trình đánh giá sẽ mất khoảng 45 ngày trước khi đưa ra quyết định xem liệu chương trình ICBM mới có vượt quá ngưỡng chi phí theo luật hay không.
Nếu Không quân và Lầu Năm Góc kết luận rằng con số chi phí mới sẽ vượt quá ngưỡng quy định của pháp luật, quân đội Mỹ phải thông báo cho Quốc hội và tiến hành đánh giá quan trọng về việc liệu chương trình sẽ tiếp tục tồn tại hay sẽ phải chấm dứt. Để tiếp tục, Lầu Năm Góc có thể sẽ phải yêu cầu thêm kinh phí để trang trải cho khoản tăng chi phí dự kiến, sẽ gây ra một cuộc tranh luận lớn mới.
Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí xây dựng và vận chuyển vật liệu số lượng lớn để chuyển đổi 450 cơ sở phóng tên lửa Minuteman III thời Chiến tranh Lạnh và 24 trung tâm phóng để lắp đặt Sentinel. Trong báo cáo ngân sách tài chính năm 2024, Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho biết nhiệm vụ này ước tính kéo dài gần 10 năm, sẽ là một quá trình dài và phức tạp liên quan đến mua bất động sản, xây dựng, tháo dỡ, di dời và lắp đặt thiết bị cũng như chứng nhận hạt nhân.
Ngoài ra, dự án sẽ yêu cầu lắp đặt hơn 12.000 km cáp quang ngầm kết nối các hầm chứa tên lửa của Mỹ, trải dài khắp 5 bang khác nhau.
Ban đầu, Không quân Mỹ đánh giá hệ thống vũ khí Sentinel là lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất để duy trì bộ ba hạt nhân trên đất liền an toàn, bảo đảm và hiệu quả và sẽ mở rộng khả năng cho đến năm 2075.
ICBM Sentinel sẽ thay thế 400 ICBM Minuteman III đang phục vụ được hơn 50 năm tại các căn cứ của Không quân Mỹ như căn cứ không quân (AFB) FE Warren ở Wyoming; Malmstrom ở Montana; và Minot ở Bắc Dakota.
Các cơ sở phóng, cơ sở cảnh báo tên lửa, hệ thống liên lạc, cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện có cho ICBM Minuteman III sẽ được hiện đại hóa và thay thế khi cần thiết để hỗ trợ hệ thống vũ khí Sentinel mới. Khi các ICBM Minuteman III ngừng hoạt động sẽ đòi hỏi các hoạt động xử lý.