Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24: Án kỷ luật nặng cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu nếu còn chậm trễ
Những án kỷ luật rất nặng sẽ đến với Sở GTVT tỉnh Kon Tum và các nhà thầu, nếu các đơn vị này không hoàn thành Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 vào ngày 30/5/2022.
Thi công Gói thầu số 5, Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 - Dự án thành phần 2, đoạn qua huyện Kon Plông (Kon Tum) Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Thi công bê trễ
Bộ GTVT vừa có Công văn số 1902/BGTVT-QLXD gửi Sở GTVT tỉnh Kon Tum để thúc tiến độ thi công, tăng cường kiểm soát chất lượng Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24, tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24).
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua, Bộ GTVT phải phát văn bản thúc tiến độ triển khai Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24, công trình có quy mô xây dựng không lớn và cũng không quá phức tạp về kỹ thuật, lại được “ưu ái” bố trí vốn ngân sách nhà nước.
Dự án có tổng mức đầu tư 847,8 tỷ đồng, khởi công ngày 23/7/2020. Theo các điều khoản hợp đồng đã được ký kết cũng như kế hoạch đăng ký vốn ngân sách với Quốc hội và Chính phủ, Dự án phải hoàn thành cuối tháng 7/2021.
Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 có mục tiêu nâng cấp 31,47 km đường cấp IV hiện hữu lên tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9 m, mặt đường 9 m. Khoảng 3 km đường đô thị trong phạm vi Dự án được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường đô thị với nền đường rộng 23,75 m, mặt đường 11,25 m.
Đây là công trình nằm trong danh mục các dự án quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao năng lực thông hành trên tuyến, đảm bảo kết nối Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của hai khu vực này và cả nước.
Tại Công văn số 1902, Bộ GTVT cho biết, đến cuối tháng 2/2022, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 đã hoàn thành, nhưng mới chỉ có 1/3 gói thầu được hoàn thành theo đúng tiến độ (gói số 6).
Hai gói thầu còn lại (số 4, số 5) đang thi công rất chậm, trong khi yêu cầu thời gian hoàn thành (điều chỉnh) là ngày 30/5/2022 (quỹ thời gian còn lại khoảng 100 ngày).
“Điều đáng lo ngại là khối lượng thực hiện tại gói thầu số 4 và số 5 trong thời gian qua rất thấp, dù khối lượng công việc còn lại khá nhiều”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Để đảm bảm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Kon Tum chỉ đạo nhà thầu xây dựng tiến độ chi tiết theo tuần đối với các hạng mục còn lại của gói thầu số 4, số 5 và có cam kết thực hiện tiến độ đã lập bằng văn bản làm cơ sở xem xét, xử lý nhà thầu, đặc biệt là đường găng trong thi công móng, mặt đường bê tông nhựa. Tiến độ chi tiết và cam kết của nhà thầu phải được Sở GTVT tỉnh Kon Tum gửi về Bộ GTVT để theo dõi.
Trước đó, do Dự án thi công bê trễ, nên Bộ GTVT đã phải điều chỉnh mốc hoàn thành tháng 7/2021 thành 31/12/2021 và 30/5/2022, nhưng theo Sở GTVT tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 13/2/2022, ngoại từ gói thầu xây lắp (số 6) đã cơ bản hoàn thành, 2 gói thầu xây lắp còn lại (số 4, số 5) mới đạt 66 - 70% giá trị hợp đồng.
Bài học đắt giá
Liên quan đến trách nhiệm của Sở GTVT tỉnh Kon Tum - chủ đầu tư Dự án, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công chi tiết hằng ngày, hằng tuần theo tiến độ đã lập; tổ chức kiểm điểm tiến độ định kỳ hằng tuần và quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan nếu tiếp tục để xảy ra chậm trễ; kiểm soát chặt các mốc thời gian do nhà thầu cam kết làm cơ sở xem xét, xử lý vi phạm Hợp đồng.
Sở GTVT Kon Tum phải kịp thời báo cáo Bộ GTVT để xem xét, đánh giá về lịch sử vi phạm hợp đồng của nhà thầu và xem xét đăng tin thông báo rộng rãi trên toàn quốc.
Đặc biệt, Bộ GTVT cho biết, sẽ xem xét không giao Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư đối với các dự án tiếp theo do Bộ GTVT quản lý dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh này.
Vào cuối tháng 1/2022, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có Thông báo số 32/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24.
Tại Thông báo, Kiểm toán Nhà nước đưa ra những quan ngại lớn về tình trạng thi công bê trễ, chậm khắc phục tại Dự án đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư, gây mất an toàn giao thông trên đoạn tuyến đang thực hiện cải tạo, nâng cấp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài các nguyên nhân khách quan như bất lợi về thời tiết, ảnh hưởng bão lũ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phức tạp, còn có những nguyên nhân chủ quan như: công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu khả thi chậm 202 ngày; công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm 215 ngày; lập tiến độ thi công còn thiếu cơ sở.
Các chuyên gia về quản lý đầu tư đánh giá, đây là những tồn tại thể hiện năng lực điều hành yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao của Sở GTVT tỉnh Kon Tum và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án.
Ngoài thiếu sót về chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum còn “non tay” khi để các nhà thầu chưa tích cực, thiếu chủ động huy động nhân lực, thiết bị, vật liệu và chưa quyết liệt tổ chức tăng ca, tăng kíp, bổ sung các mũi thi công để bù vào phần khối lượng bị chậm.
“Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 là bài học đắt giá cho việc phân cấp triển khai dự án chưa đúng người, đúng việc. Một dự án không khó, vốn được bố trí đủ, nhưng lại triển khai quá chậm là điều cần được rút kinh nghiệm trong công tác quản lý vốn đầu tư công trong lĩnh vực GTVT”, một chuyên gia giao thông đánh giá.